Chuyên gia nói gì trước cảnh báo biến thể XE lây lan nhanh hơn Omicron
Tin Y tế - Ngày đăng : 17:30, 04/04/2022
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ về biến thể mới XE của virus SARS-CoV-2, trong đó qua phân tích 600 mẫu, XE được ước tính lây lan trong cộng đồng cao hơn khoảng 10% so với biến thể BA.2 của Omicron.
Dù Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA), nước đầu tiên phát hiện biến thể XE cho biết, qua thống kê chỉ mới có bằng chứng cho thấy XE lây lan trong cộng đồng ở mức 1% tổng số mẫu được đưa đi phân tích, tuy nhiên trong bối cảnh mỗi ngày Việt Nam vẫn đang phát hiện hàng chục ngàn ca mắc Covid-19 mới, nhiều ý kiến vẫn lo ngại dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp trở lại.
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên sáng 4/4, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, biến chủng XE xuất hiện từ tháng 1, là một dạng biến thể tái tổ hợp, kết hợp của các dòng BA.1 và BA.2 của Omicron. Do đó, có thể coi XE là một "tiểu biến chủng" của Omicron.
Để nhận định biến thể XE mới của virus SARS-CoV-2 có đáng lo ngại hay không, PGS Dũng cho rằng cần phải nhìn ở 4 đặc tính, đó là: tốc độ lây lan, khả năng kháng thuốc, khả năng chống vaccine và khả năng gây nặng.
Ở khía cạnh lây lan, theo báo cáo mới nhất, XE có khả năng lây lan tăng khoảng 10% so với biến chủng Omicron cũ. Tuy nhiên kết quả này mới ghi nhận trong một tuần, không loại trừ đây chỉ là dao động ngẫu nhiên do cỡ mẫu phân tích còn nhỏ. Do đó, cần phải có thời gian đánh giá thêm.
Kế tiếp là khả năng kháng thuốc, biến thể XE không kháng các thuốc điều trị Covid-19 hiện nay như Molupiravir, Paxlovid. Vấn đề đặc biệt quan tâm là khả năng lẫn tránh vaccine của biến thể, chuyên gia cho rằng hầu như không có, vì protein gai của XE cũng là protein gai của BA.2. Nếu người dân đã tiêm vaccine đầy đủ, lẫn tiêm mũi tăng cường rồi thì không cần quá lo ngại chuyện này.
Cuối cùng là ở độ nặng, vì biến thể tái tổ hợp các dòng cũ nên mức độ gây bệnh cũng tương tự như Omicron, điều này đã được kiểm chứng ở các ca phát hiện nhiễm biến thể này.
Từ những phân tích trên, chuyên gia nhận định không cần quá lo lắng và cũng không phải thay đổi gì trong biện pháp chống dịch. Hiện nay, làn sóng dịch của nước ta có khuynh hướng đi xuống, đã bắt đầu qua đỉnh dịch. Đặt giả thuyết nếu biến chủng XE gây lây lan nhiều hơn thì dịch chỉ đi xuống chậm hơn, nhưng vẫn theo chiều hướng này.
Dù vậy, PGS Dũng nhấn mạnh, virus SARS-CoV-2 sẽ không dừng lại nếu vẫn còn việc lây nhiễm mới. Nghĩa là mỗi lần có lây nhiễm, virus sẽ luôn luôn có hiện tượng tái tổ hợp, sản sinh ra đột biến và từ đó tiềm ẩn khả năng xuất hiện biến thể mới.
Do đó, việc phòng chống dịch là rất cần thiết, không chỉ để bảo vệ bản thân, giúp duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội mà còn giúp chống lại khả năng hình thành biến chủng. Hiện nay, nhiều người vẫn có quan niệm "nhiễm càng nhiều càng tốt", nếu ai cũng có suy nghĩ như vậy thì sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các biến chủng mới.
"Các biện pháp đang sử dụng như tiêm vaccine phòng bệnh, dùng thuốc kháng virus cho người mới nhiễm vẫn có hiệu quả với biến chủng XE. Việc đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người vẫn cần tiếp tục thực hiện" - PGS Dũng nói.