Thực hư thuốc thanh lọc, giải độc phổi hậu COVID-19
Tin Y tế - Ngày đăng : 16:33, 04/04/2022
Tràn lan trên mạng
Chỉ cần gõ từ khóa “thanh lọc phổi” trên các nhóm mạng xã hội Facebook hay thanh công cụ tìm kiếm Google là có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm thanh lọc, bổ phổi từ các nước như Úc, Nhật Bản….với giá khác nhau từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy Cao áp Việt Nga (Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga) - cho biết các loại thực phẩm này hoàn toàn không cần thiết.
Người bệnh không nên quá kỳ vọng vào các thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng bổ phổi, thanh lọc phổi, vì thực chất nó chỉ mang tính chất hỗ trợ. Chưa kể dùng đồng thời nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Nếu có, chỉ nên dùng một loại có xuất xứ rõ ràng, uy tín.
Tuy nhiên, hiện rất khó để quản lý việc mua bán thực phẩm chức năng khi các loại này được phân phối tràn lan. Tốt nhất, bệnh nhân không mua, dùng vì việc tự ý điều trị có thể gây nguy hiểm.
Với người đang mắc COVID-19, quan trọng nhất là điều trị triệu chứng, ăn uống đầy đủ, vận động hợp lý, giữ tinh thần ổn định và đều đặn tập các bài tập thở. Đây chính là liều thuốc giúp phục hồi phổi tốt nhất.
"Khi khỏi COVID-19, nên tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe toàn diện, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc tinh thần, giấc ngủ. Tập thở hàng ngày như sau: hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã, nhịp độ tăng lên từng ngày. Hoặc, bạn tập thể dục đều đặn như đi bộ chậm, vận động nhẹ, thực hành dưỡng sinh", bác sĩ Hoàng nói.
Tập thở sẽ nhanh hồi phục
TS Dương Văn Trung - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện - cho biết, rất nhiều bệnh nhân hỏi về các loại thuốc bổ giúp phục hồi phổi sau khi khỏi COVID-19.
Thực chất các thuốc bổ là các loại có thành phần vitamin, chất khoáng, axit amin... có tác dụng bổ sung vi chất, làm trẻ hóa tế bào, tăng cường khả năng biến đổi thức ăn thành dưỡng chất nuôi cơ thể.
Những ngày đầu mới nhiễm COVID-19, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào bảo vệ lông mao. Sau đó, chúng làm bong tróc lớp bảo vệ này. Khi mất đi lớp bảo vệ, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập. Cách thức tấn công này khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 bị viêm cả 2 lá phổi.
Sau giai đoạn một, nếu hệ miễn dịch bệnh nhân đủ khỏe, sẽ hồi phục dần. Nếu yếu, bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là phổi tổn thương nặng và tiếp tục lan rộng dẫn tới suy hô hấp cấp tính (thở nhanh, khó thở, tím tái…).
Như vậy, COVID-19 xâm nhập vào phổi ảnh hưởng trực tiếp đến các phế nang, là nơi trao đổi khí.
Một biến chứng khác cũng hay gặp trong giai đoạn hậu COVID-19 là xơ phổi. Đây là tình trạng các nhu mô trong phổi bị tổn thương, dày lên, xơ cứng, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi. Nguyên nhân là nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái bình thường, mà thay bằng những mô xơ.
Vị chuyên gia này giải thích thêm xơ phổi dẫn đến không thực hiện được chức năng trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi, gây khó thở, đặc biệt là khi vận động thể lực. Đây là một trong những biến chứng dai dẳng ảnh hưởng đến khả năng lao động.
Sau COVID-19, chức năng phổi có thể sớm trở lại như bình thường, sau 6 tháng hoặc kéo dài hơn nữa, thậm chí có tổn thương không hồi phục.
"Cách phục hồi phổi tốt nhất chính là liệu pháp tập thở, giúp cho các phế nang giãn ra đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất. Các bài tập tôi thường khuyên bệnh nhân thực hiện là thở ngực, thở bụng...
Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng tốt và luyện tập thể thao tùy theo sức khỏe của mỗi người. Thực tế, không có thuốc nào là bổ phổi hậu COVID-19. Người dân nên cẩn trọng, tránh tiền mất tật mang", TS Dương Văn Trung nói.