Thủ tướng: Sẵn sàng các kịch bản ứng phó tác động xung đột tại Ukraine
Xã hội - Ngày đăng : 15:58, 04/04/2022
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: "Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó với những ảnh hưởng, tác động bởi xung đột tại Ukraine, báo cáo cấp có thẩm quyền khi cần thiết".
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực phát hành trái phiếu, chứng khoán, bất động sản.
Đồng thời, các đơn vị cần tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, phát hiện các vi phạm và vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA. Việc này trong quý I vừa qua chưa có cải thiện đáng kể. Các cấp, các ngành được yêu cầu tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công.
"Đầu tư công phải dứt khoát, không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chỉ đạo quyết liệt triển khai các chương trình phục hồi nhanh, phát triển bền vững theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ; tập trung xây dựng các quy hoạch theo Luật Quy hoạch, đồng thời khẩn trương rà soát, tổng hợp các vướng mắc, ách tắc để báo cáo đầy đủ, toàn diện với Quốc hội, đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.
Điểm sáng nổi bật là tăng trưởng GDP đạt khá, quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021. Qua đó tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển KT-XH, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong quý II và cả năm 2022.
Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định. Đến 25/3, tín dụng tăng 4,63% so với cuối năm 2021; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh; kịp thời có giải pháp ổn định thị trường, tâm lý nhà đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3, tăng 45,5% so với tháng trước, tính chung quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 50,5% so với tháng trước, tính chung quý I tăng 22% so với cùng kỳ, gấp 2,2 lần tốc độ tăng của khu vực FDI (10%). Nền kinh tế xuất siêu 1,39 tỷ USD trong tháng 3, tính chung quý I xuất siêu 809 triệu USD.
Liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 3 tháng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ; FDI thực hiện tăng 7,8% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất kể từ năm 2016 đến nay, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh, triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn của nước ta.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt nhấn mạnh điểm đáng mừng là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tái gia nhập thị trường trong tháng cao gấp 3 lần doanh nghiệp rút lui. Tính chung quý I đạt kỷ lục hơn 60.000 doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ, cao nhất trong các quý I từ trước tới nay.
"Đây là dấu hiệu tăng trưởng tích cực cho năm 2022, phản ánh kỳ vọng, niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhận định.
Nói về tình hình lao động, việc làm, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong quý I năm 2022 giảm so với quý trước, thu nhập người lao động được cải thiện.
Đồng thời, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được quan tâm. Khoảng 35,87 triệu lượt đối tượng đã nhận hỗ trợ xấp xỉ 40,5 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; hỗ trợ gần 38,6 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nước ta cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022-2023.
"Chính vì vậy, các cấp, các ngành chủ động theo dõi, dự báo tình hình, có phương án điều hành đồng bộ, linh hoạt, kịp thời theo biến động của kinh tế vĩ mô, lạm phát, cân đối lớn về năng lượng, lao động - việc làm, đầu tư…; quyết tâm, quyết liệt hơn nữa để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, phấn đấu đạt, vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra", ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Nguyễn Huệ