Hương vị Việt trong Tết Hàn thực mùng 3 tháng 3
Ẩm thực - Ngày đăng : 18:52, 03/04/2022
Thuở còn thơ bé, nhiều người trong chúng ta từng trải qua cảm giác háo hức đợi mẹ nặn từng viên bánh trôi tròn xoe, bánh chay dèn dẹt, bột trắng muốt, thả nhẹ vào nồi nước sôi lăn tăn trên bếp. Mùi thơm thoang thoảng, hòa trộn giữa hương gạo nếp xay thành bột mịn, đậu xanh đồ chín, nước cốt dừa, vừng rang trong buổi sớm mai trời còn se lạnh, mưa phùn lắc rắc ngoài thềm và hương bưởi tháng Ba ngào ngạt...
Tết Hàn thực vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, từ tục lễ không nổi lửa trong 3 ngày liền, ăn đồ lạnh (hàn) chuẩn bị từ trước. Nhưng ở Việt Nam, Tết bánh trôi, bánh chay mùng 3 tháng Ba mang một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt, thấm đẫm tinh thần của người Việt.
Mùng 3 tháng Ba Âm lịch, ấy là khi cuối xuân, những mái chùa rêu phong, trầm mặc, như hiện ra hư ảo, từ trong quá vãng xa xăm; mùi trầm hương vẫn còn phảng phất trong không gian, trong tâm tưởng mỗi người con nước Việt.
Tết Hàn thực mùng 3 tháng Ba thường đến trong cái rét “Nàng Bân” se se lạnh, không đủ khiến ta co ro, xuýt xoa khi bước chân ra phố. Những làn gió nhè nhẹ mang theo hơi nước mềm mại, ẩm ướt của những cơn mưa phùn sau cuối...
Món bánh trôi, bánh chay được làm bằng bột nếp xay mịn nên nếu ăn nóng, bột nếp sẽ chảy, quánh, dính chặt vào nhau, ăn kém ngon và bất tiện. Nhưng đây cũng không phải là món ăn để trong tủ lạnh, vì khi ấy, bột nếp sẽ đông cứng lại, không còn vị dẻo, mềm đầy quyến rũ. Phù hợp và ngon miệng nhất là thưởng thức sau khi vớt bánh từ nồi ra và thả vào trong chậu nước lạnh khoảng 15 phút. Tiết trời cuối xuân cũng thật lý tưởng cho món bánh giản dị, mộc mạc mà rất đỗi tinh tế.
Hình ảnh một buổi sớm tháng Ba, trẻ con xúm xít bên bà, bên mẹ, quanh nong bánh trôi, bánh chay đặt giữa nhà, vẽ lên bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp, mang đậm phong vị dân gian mà vẫn tràn đầy hơi thở đương đại. Những bàn tay bé xíu, tuy còn vụng dại mà vẫn đầy chăm chút, tỉ mẩn nặn từng viên bánh trôi tròn xoe, bọc lấy chút đường phên nhỏ xíu làm nhân.
Bánh chay thì phải lấy nhiều bột hơn, nhào thành miếng bánh tròn, dẹt, lõm ở giữa để nhồi vào đó đậu xanh đã hấp chín, ngào với đường, thơm lừng. Bánh nặn xong, tới công đoạn lũ trẻ thích nhất là thả bánh vào nồi nước sôi lục bục, rồi chăm chú theo dõi khi những viên bánh trong veo, nổi lên trên mặt nước, ấy là bánh đã chín. Bánh được ngâm trong nước lạnh 15 phút rồi vớt ra đĩa. Bánh trôi thì rắc chút vừng rang thơm phức lên trên, còn bánh chay cầu kỳ hơn, được chan bằng nước chè bột sắn sóng sánh, thêm ít hương vani hay dầu chuối. Cuối cùng là những hạt đậu xanh đồ chín, vừng rang và những sợi dừa nạo trắng muốt được rắc đều lên trên đĩa bánh.
Những đĩa bánh trôi, bánh chay đẹp nhất được nâng niu, trân trọng dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà với tất cả tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn.
Trong bảng lảng khói hương, mùi thơm ngọt ngào, thanh tao hòa trộn giữa nếp cái hoa vàng, đường phên, đậu xanh, vừng rang, dừa nạo của món bánh; mùi hương ngan ngát của đĩa hoa bưởi, tạo lên một bầu không khí vừa trong trẻo, thanh tịnh, vừa huyền ảo, tôn nghiêm, lại gần gũi lạ thường...
Đã có một thời, trong nhịp sống công nghiệp, để tiện dụng, không ít người chuộng mua đồ ăn nhanh được chế biến sẵn. Nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống vì thế, cũng mai một ít nhiều. Thật đáng mừng, những năm gần đây, chính những gia đình trẻ lại dần biết trân trọng nền nếp văn hóa gia phong quý báu ấy, cha mẹ, con cái cùng gói bánh chưng, tự nướng bánh quy, nặn bánh trôi bánh chay… Nhiều người còn biến tấu thêm màu sắc xanh, đỏ, vàng…, nặn những viên bánh hình hoa, hình trái tim; cũng là một chút phá cách của người trẻ trong xã hội hiện đại làm phong phú thêm nếp văn hoá truyền thống.
Để mỗi người Việt Nam, dẫu có phiêu bạt tới góc bể chân trời, mỗi dịp mùng 3 tháng Ba, bóc tờ lịch trên tường mà như thấy hình ảnh gánh hoa loa kèn trắng muốt, thoảng hương thơm dịu nhẹ, bồng bềnh trôi trên phố vắng, trong làn mưa bụi, lây phây như tấm voan mỏng. Như thấy cả một trời thơ bé bên bà bên mẹ, trong hồi ức thấm đẫm yêu thương về những Tết bánh trôi, bánh chay không thể nào quên, nơi quê nhà.