Vụ nam sinh nhảy lầu tự tử: 'Có trẻ học rất giỏi nhưng bất ngờ rơi vào vực thẳm trầm cảm'
Xã hội - Ngày đăng : 18:38, 02/04/2022
Ngày 1/4, vụ việc một nam sinh cấp 3 trèo qua ban công căn hộ ở tầng 28 tòa chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) rồi nhảy xuống đất dẫn tới tử vong khiến nhiều người bàng hoàng.
Bước đầu, cơ quan công an xác định danh tính nạn nhân là L.N.N.M. (16 tuổi) trú tại một căn hộ tầng 28. Nạn nhân đang học lớp 10 tại một trường THPT chuyên có tiếng ở Hà Nội. Trước khi nhảy lầu tự tử, N.M. có để lại thư tuyệt mệnh.
Cùng ngày hôm đó, tại Bắc Ninh, một nữ sinh lớp 8 được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ cùng lá thư và nhật ký nói rằng "mình sắp đi xa".
Hai sự việc đau lòng này tiếp tục là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên vì tự tử ở lứa tuổi này là vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo ngại trong bối cảnh học sinh học trực tuyến kéo dài.
Ảnh minh họa |
Nói về sự việc này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Phúc - Trung tâm tư vấn trị liệu tâm lý Hạnh Phúc (Hà Nội) chia sẻ rằng thực tế có nhiều trẻ từng học rất giỏi nhưng bất ngờ rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu. Và nguyên nhân sâu xa chính là trẻ không kịp tiếp thu kiến thức thông qua học trực tuyến cũng như việc học trên lớp dẫn đến không hiểu hết được bài học, bị giáo viên phê bình, bị bố mẹ gây áp lực.
“Đa số khi đứa trẻ đối mặt với những rối loạn tâm thần thường thay đổi tính tình, thay đổi thói quen, giờ giấc sinh hoạt, thường có những phản ứng thái quá, trẻ có xu hướng thích một mình và không muốn chia sẻ với ai.
Thế nhưng, nhiều bố mẹ lại nghĩ đó là những biểu hiện bình thường trong quá trình con phát triển mà bỏ qua không quan tâm, hỗ trợ, nâng đỡ tâm lý cho con trẻ khiến tình trạng của con ngày càng trở nên nặng nề hơn.
Một điều quan trọng để tránh những tâm lý rối loạn lo âu ở trẻ chính là phụ huynh hãy để con được nói lên tiếng nói của mình, được thể hiện sở thích suy nghĩ của mình chứ đừng áp đặt suy nghĩ và cách giáo dục một chiều mang tính chủ quan của mình lên con trẻ”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.
Cũng theo chuyên gia này thì bố mẹ cũng phải thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các con, từ đó có giải pháp hỗ trợ phù hợp để tránh cho trẻ rơi vào trạng thái ức chế tâm lý, phản ứng một cách quyết liệt hoặc phải miễn cưỡng chịu đựng sự áp đặt. Cùng với đó, không áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ.
“Đứa trẻ nào cũng muốn học tốt để bố mẹ vui lòng nhưng có khi nào phụ huynh nghĩ rằng khả năng của con mình có hạn nên bản thân bố mẹ cũng đừng quá kì vọng hay áp đặt con.
Ngay cả việc chọn trường cho con cũng vậy, nếu sức con mình có hạn, phụ huynh có thể tìm một ngôi trường vừa vừa để ở đó con được học tập, được vui chơi, được sống đúng là mình và quan trọng đó phải là một trường học tạo cho con sự hạnh phúc. Nhiều phụ huynh không biết rằng chính kì vọng thái quá của bản thân sẽ vô tình tạo sự ức chế cho đứa trẻ.
Ngoài ra, trong quá trình học tập, cũng cần giúp con sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lý, khuyến khích con tập luyện thể dục thể thao.
Hơn nữa, cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội. Đồng thời, dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Cha mẹ cũng cần chia sẻ thẳng thắn với con về các vấn đề con bắt gặp trong cuộc sống bởi trẻ có thể trở thành nạn nhân của một vụ bắt nạt.... Nếu con bị tổn thương bởi bất kỳ lý do nào hãy khuyến khích trẻ trò chuyện với người lớn. Được kết nối, hỗ trợ sẽ giúp con có cảm giác an toàn, dễ mở lòng khi gặp khó khăn thay vì con phải chịu đựng một mình. Với những trải nghiệm non nớt, trẻ con có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Hoàng Thanh