Giữa 'ma trận' phương thức xét tuyển đại học, thí sinh chọn lựa thế nào?
Xã hội - Ngày đăng : 10:06, 02/04/2022
Cho đến nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chính thức công bố đề án tuyển sinh, trong đó có các phương thức và chỉ tiêu từng ngành với từng phương thức cụ thể. Theo thống kê, hiện nay có khoảng 20 phương thức xét tuyển khác nhau tuỳ từng trường và từng ngành học.
Ngay từ lúc này, nhiều học sinh đã bắt đầu tính toán để có cho mình một lựa chọn phù hợp như nộp hồ sơ xét tuyển học bạ, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia để sử dụng kết quả nộp vào những ngành mình mong muốn.
Em Hồ Lê Huy, học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu (Quận Bình Thạnh) cho biết, năm nay em dự định đặt nguyện vọng 1 vào ngành Logistics của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Để chắc suất trúng tuyển vào ngành học mình mong muốn, Huy còn tận dụng các phương thức xét tuyển như: Thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ IELTS. Bên cạnh đó, Huy cũng thận trọng tính toán kỹ lưỡng đặt nguyện vọng những nhóm ngành thấp hơn để có thêm cơ hội trúng tuyển vào đại học.
“Em cũng đã tự chọn cho mình ngành mình thích, không bị quá phân vân. Em đương nhiên vẫn có hướng rẽ riêng của em vì ngành đầu tiên em chọn đã có điểm chuẩn cao rồi nên em cũng ôn khá nhiều, khi chọn ngành em cũng tính tới một là kế toán, hai là ngành IT”, Huy chia sẻ.
Theo bà Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, thí sinh hiện nay được đăng ký xét tuyển cùng lúc vào nhiều trường, nhiều ngành nhưng chỉ có thể học tại một trường. Ngoài ra, nhiều thí sinh dù xét tuyển bằng những phương thức trước như xét học bạ, thi đánh giá năng lực nhưng vẫn chờ cơ hội từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT…Tuy nhiên, các em cần tìm hiểu thật kỹ chỉ tiêu xét tuyển của từng phương thức.
Lấy ví dụ như Đại học Công nghiệp thực phẩm năm nay, có 4 phương thức xét tuyển trong đó, chỉ tiêu ở hai phương thức là xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT là như nhau (40% mỗi phương thức), do vậy cơ hội ở cả 2 phương thức là như nhau. Chính vì vậy, học sinh nên tận dụng tất cả các phương thức để xét tuyển, tăng cơ hội cho những ngành mà mình mong muốn ngay từ đợt 1. Tuy nhiên, không vì thế mà thí sinh lại đăng ký một phương thức với quá nhiều nguyện vọng, nhóm ngành khác nhau vì như vậy sẽ lãng phí và khó để lựa chọn chính xác với năng lực bản thân.
“Quan trọng nhất đối với các em là nên tìm hiểu chính bản thân mình về đam mê, sở thích, năng lực tới đâu và khả năng tài chính của gia đình như thế nào để có sự lựa chọn tốt nhất”, bà Thoa cho biết thêm.
Cũng theo ông Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, dù có khoảng 20 phương thức tuyển sinh, nhưng đa số các phương thức đều có chương trình đào tạo, thời gian đào tạo và bằng cấp sau khi tốt nghiệp như nhau.
Như tại Đại học Gia Định, năm nay cũng chỉ xét tuyển 3 phương thức đó là học bạ, điểm THPT quốc gia và điểm đánh giá năng lực (ĐHQG TP.HCM), chương trình học, thời gian học và học phí đều như nhau. Chính vì thế, thí sinh cần tìm hiểu tất cả phương thức mà trường đại học đang quan tâm để xem khả năng và yêu cầu để lựa chọn. Hiện nay, các trường đều có phương thức xét tuyển học bạ, đó cũng là phương thức có cơ hội trúng tuyển cao, cho nên nếu có thể, thí sinh cũng nên tận dụng, tìm hiểu kỹ để nộp hồ sơ, tăng cơ hội trúng tuyển.
“Để trúng tuyển ngay từ đợt 1, thí sinh cần theo dõi kỹ các quy định của từng phương thức, điểm chuẩn của năm trước và nộp hồ sơ sớm nhất để tăng cơ hội trúng tuyển”, ông Chung nói.
Dù nhiều phương thức tuyển sinh nhưng đa số thí sinh đều chọn và kết hợp những phương thức quen thuộc như xét kết quả học bạ, xét điểm tốt nghiệp THPT hoặc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực vì chỉ tiêu ở các phương thức này có phần nhiều hơn so với những phương thức khác. Tuy nhiên, thí sinh cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ ngành nghề, điểm chuẩn so với năm trước và khả năng của bản thân để có cơ hội cao khi xét tuyển vào đại học năm nay.
Vũ Hường/VOV-TP.HCM