Khi bóng đá nữ có “tiền lót tay”…
Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 09:18, 02/04/2022
Bóng đá Việt Nam đã và đang có vấn đề, trong nhiều năm lên chuyên nghiệp, ở hoạt động chuyển nhượng. Tất nhiên, chủ yếu mới là bóng đá nam, vì bóng đá nữ hiện tại được VFF tổ chức với hình thức giải vô địch quốc gia, giải vô địch Cúp quốc gia thuộc hệ thống thi đấu ngoài chuyên nghiệp. Hiếm có bản hợp đồng lớn nào của bóng đá Việt Nam là vụ chuyển nhượng giữa 2 câu lạc bộ mang lại giá trị tài chính, chủ yếu là cầu thủ hết hợp đồng và đến bến đỗ mới cùng khoản lót tay. Điều đó tồn tại như một thói quen.
Trong khi đó, bóng đá nữ luôn ở vào thế thiệt thòi - ở mọi khía cạnh, để khi câu chuyện về “tiền lót tay” xuất hiện thì cũng là lúc gây tranh cãi. Thời gian gần đây, chuyện tương lai của 2 cầu thủ Nguyễn Thị Mỹ Anh và Lê Hoài Thương đang thu hút sự chú ý của dư luận. Một câu chuyện khá dài dòng, nhưng cơ bản là họ đã hết hạn với câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31.12.2021. Đến đầu tháng 3 vừa qua, họ báo cáo việc được Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thái Nguyên mời về thi đấu với số tiền lót tay lần lượt là 500 triệu và 400 triệu. Cùng với đó là mức lương cao.
Những câu chuyện về đời sống cầu thủ nữ khó khăn không phải là hiếm trong nhiều năm qua, vậy nên, nhận được sự đãi ngộ như trên quả thực đáng mừng. Vấn đề là, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mới có công văn gửi VFF, đề nghị có ý kiến về “các quy định, quy chế quản lý vận động viên”.
Có thể hiểu, phía Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, “đây không phải là bóng đá chuyên nghiệp”, trong khi 2 cầu thủ “được tuyển chọn, đào tạo từ tuyến năng khiếu ban đầu, thuộc ngân sách nhà nước chi trả trong nhiều năm, chứ không phải tư nhân” nên đơn vị khác không thể ký hợp đồng khi chưa nói chuyện với họ. Ngược lại, phía Thái Nguyên vận dụng theo quy định chuyển nhượng chuyên nghiệp, “tự do đàm phán với cầu thủ hết hợp đồng”…
Có thể thấy, xuất phát điểm gây tranh cãi và hẳn là sẽ không dễ giải quyết, nhưng ít nhất, bóng đá nữ cũng đã có tín hiệu tích cực về khía cạnh chuyển nhượng. Chuyện tiếp theo là VFF và các bên phải chuẩn bị kỹ càng hơn cho các vấn đề liên quan.