Máy bay F-22 bị thất sủng

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:45, 02/04/2022

Không quân Mỹ đang có kế hoạch cho “nghỉ hưu” 33 máy bay F-22 Raptor (Chim săn mồi) “già cỗi” chủ yếu được sử dụng để huấn luyện và không có khả năng chiến đấu. Lý do cho việc này xuất phát từ chi phí nâng cấp quá tốn kém để biến những "cỗ máy già nua" thành phương tiện có thể tham gia chiến đấu.

Thông tin về kế hoạch “cho về vườn” 33 máy bay F-22 Raptor thuộc căn cứ không quân Tyndall trong năm tài chính 2023 được Thiếu tướng James Peccia, phụ trách ngân sách của lực lượng không quân Mỹ tiết lộ trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây.

Lầu Năm Góc muốn gửi dàn máy bay cũ kỹ đến “nghĩa địa máy bay” tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở Tucson, bang Arizona. Nếu được Quốc hội Mỹ ủng hộ, động thái này sẽ giảm tổng số máy bay F-22 của Mỹ từ 186 xuống còn 153 chiếc.

Phi công của lực lượng không quân Mỹ tiến hành khởi động F-22 Raptor tại căn cứ không quân Eglin, Florida. Ảnh: Defense News

Trước đó, những chiếc F-22 đã được chuyển đến căn cứ không quân Eglin ở Florida sau khi căn cứ Tyndall bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão Michael vào năm 2018. Không quân Mỹ từng có kế hoạch chuyển những máy bay này tới căn cứ Langley-Eustis ở Virginia, nhưng kế hoạch này đã bị hoãn 3 năm nay.

Những chiếc F-22 cũ kỹ hiện được sử dụng để huấn luyện đơn giản do chi phí nâng cấp chúng quá đắt đỏ. Thay vì tiêu tốn 1,8 tỷ USD trong 8 năm để tiếp tục sử dụng các máy bay này trong chiến đấu, không quân Mỹ cho rằng sẽ tốt hơn nếu dành kinh phí để nâng cấp các thiết bị cảm biến tiên tiến cho phi đội F-22 còn lại, đồng thời cải tiến những chiến đấu cơ F-35 Lightning II và đầu tư nghiên cứu, phát triển các máy bay mới trong Chương trình Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD).

F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 sử dụng công nghệ tàng hình đầu tiên trên thế giới. Hãng Lockheed Martin đã nghiên cứu chế tạo F-22 trong vòng 20 năm với chi phí lên đến 70 tỷ USD. Vào thời điểm ra mắt, F-22 được đánh giá là mẫu tiêm kích có thể mang tới bước nhảy vọt về khả năng chiến đấu cho không quân Mỹ.

Ban đầu, không quân Mỹ dự định mua 750 chiếc F-22 để phát triển một phi đội máy bay đánh chặn đầy uy lực cho thế kỷ 21. Tuy nhiên sau đó, lực lượng này đã chuyển hướng và chấm dứt chương trình mua sắm F-22 vào tháng 12-2011.

Thời điểm đó mới chỉ có 186 chiếc được bàn giao. Ngày nay, sau hơn một thập kỷ, số lượng chiến đấu cơ F-22 tồn tại trong kho vũ khí của Mỹ rất ít, bất chấp danh tiếng của nó. Trong số 186 chiếc F-22 được bàn giao, chỉ có khoảng 130 chiếc được vận hành và hiện tại, số lượng F-22 sẵn sàng chiến đấu chỉ ở mức 2 con số.

Theo National Interest, dù được ca ngợi là “vua bầu trời” nhưng hơn một thập kỷ hoạt động trong lực lượng không quân Mỹ, F-22 chỉ mới chứng minh được sức mạnh trong cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria thời gian trước. Sau đó, mẫu tiêm kích này bị các chuyên gia nghi ngờ về khả năng cảm biến vì một số sự cố.

Hồi tháng 6-2021, trang Thời báo Không quân đưa tin, Lầu Năm Góc dự định sẽ loại bỏ dần các máy bay F-22 khỏi kho vũ khí của Mỹ. Một số quan chức cấp cao của lực lượng không quân Mỹ cho rằng, trong tương lai 10 năm tới, những máy bay chiến đấu F-22 Raptor có tuổi thọ gần 30 năm sẽ không còn phù hợp cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không trước những đối thủ “sinh sau đẻ muộn” tiên tiến hơn.

Đại tướng Charles Q. Brown, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ từng tuyên bố: “Tương lai của lực lượng không quân sẽ không có sự tham gia của tiêm kích F-22 Raptor”. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần phải có máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không để đối phó với những đối thủ được cho là mạnh nhất trên thế giới. Do vậy, thời gian chính xác để F-22 "nghỉ hưu" sẽ phụ thuộc vào tốc độ sản xuất các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của không quân Mỹ.

Hiện Washington đã đầu tư 9 tỷ USD cho Chương trình NGAD nhằm phát triển một loại máy bay thay thế F-22 trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2025. Nếu tiêm kích mới đi vào hoạt động theo đúng lịch trình, vị trí “vua bầu trời” của F-22 Raptor có thể sẽ sớm bị thế chỗ.

NGỌC HÂN