Qua đỉnh dịch, Hà Nội chỉ còn gần 200 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch
Tin Y tế - Ngày đăng : 16:14, 01/04/2022
Hiện nay, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu hạ nhiệt và được kiểm soát. Nếu như đầu tháng 3.2022, số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh, thậm chí có ngày ghi nhận số mắc kỷ lục (hơn 32.600 ca trong ngày 8.3) thì nay đã hạ nhiệt còn khoảng 9.000 ca/ngày.
Cùng với đó, người bệnh được sử dụng thuốc kháng virus sớm, giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19.
Ngày 1.4, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 31.3, Hà Nội hiện có 193.879 bệnh nhân đang điều trị, cách ly tại nhà. 156 F0 được điều trị tại khu cách ly; 1.254 bệnh nhân tại các bệnh viện. Thành phố có 159 bệnh nhân COVID-19 ở mức độ nhẹ và không triệu chứng; 896 ca ở mức độ trung bình; 199 ca ở mức nặng, nguy kịch.
Trong số các ca nặng nguy kịch có 169 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 3 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 12 ca thở máy không xâm lấn; 15 ca phải thở máy xâm lấn.
Số F0 phải nhập viện và F0 nặng, nguy kịch tại Hà Nội đang giảm dần trong thời gian gần đây. Hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội chỉ khoảng 0,1% tổng số ca đang theo dõi, điều trị.
Hôm 30.3 là ngày thứ ba liên tiếp Hà Nội không ghi nhận ca mắc COVID-19 tử vong trong nhiều tháng gần đây. Đến nay, tổng số người tử vong do COVID-19 (từ 27.4.2021 cho đến nay) tại Hà Nội là 1.320 người.
Đến nay, kết quả tiêm cho người trên 18 tuổi: Mũi 1 đạt 99,9%; mũi 2 đạt 99,9%; mũi bổ sung đạt 99,98% và mũi nhắc lại đạt 84,6%. Tiêm cho người trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,8%; mũi 2 đạt 99,4%; số lượng mũi nhắc lại đã tiêm là gần 1,2 triệu mũi. Tiêm cho trẻ 12-17 tuổi mũi 1 đạt 99,9%; mũi 2 đạt hơn 99%.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, trong quý II.2022, thành phố tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện tiêm mũi vaccine nhắc lại đối với những trường hợp đã tiêm mũi 2 và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi khi Bộ Y tế phân bổ vaccine.
Trong công tác chăm sóc người nhiễm COVID-19, ông Trần Văn Chung đặc biệt lưu ý đến việc quản lý người bệnh COVID-19 tại nhà kịp thời, không để xảy ra tình trạng người bệnh được tiếp cận nhân viên y tế muộn, không được chỉ định, hướng dẫn sử dụng thuốc.
Bên cạnh đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ thường xuyên theo dõi trên hệ thống phần mềm quản lý F0 phát hiện sớm các ca chuyển nặng để chuyển viện kịp thời. Đồng thời phối hợp với ngành giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học.