Khi nào học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở Hà Nội được đến trường?
Xã hội - Ngày đăng : 09:57, 01/04/2022
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, gia đình anh Lê Bảo Nam (43 tuổi, Vĩnh Tuy, Hà Nội) dần quen với lịch sinh hoạt mới, vừa đi làm vừa trông con học online.
6h30 phút mỗi ngày, anh đưa con trai lớn học lớp 9 đến trường, còn vợ ở nhà chuẩn bị đồ ăn sáng cho cậu con trai lớp 3, mở máy tính chuẩn bị học online. Buổi trưa, hai vợ chồng anh luân phiên xin về sớm để đón con và lo cơm nước. Buổi chiều hai anh em ở nhà tự trông nhau để bố mẹ đi làm. Trước đó vợ chồng anh nhiều lần cãi nhau vì việc đón con hoặc quên không xin nghỉ về nhà lo cơm nước buổi trưa. Mọi sinh hoạt trong nhà đều rối tung.
Dù đã quen nhưng anh vẫn mong lịch sinh hoạt bất đắc dĩ này sớm kết thúc để chuyên tâm vào công việc và con cái tập trung học hành đúng nghĩa. Con tan học lúc 11h45, trong khi cơ quan anh 11h30 mới hết giờ làm việc buổi sáng. Anh phải xin về sớm 30 phút để kịp đến trường đón con cách đó 9km, riêng việc đưa đón con mất gần 1 tiếng đồng hồ.
Điều khiến anh Nam lo lắng hơn là học lực của con trai út ngày càng sụt giảm. Thời gian đầu anh thường xuyên kiểm tra bài vở của con để xem tiến độ học tập. Bẫng một thời gian do công việc bận, đến khi cô giáo thông báo nhiều tuần liền con không làm bài tập về nhà, hai lần bài kiểm tra bị 6 điểm, khi ấy anh mới tá hoả vì đã để con tự học online mà không sát sao nhắc nhở.
"Đó là lý do tôi rất mong trường học mở cửa trở lại để các con được học trực tiếp, dù học nửa ngày cũng được, miễn sao các con được vui chơi, tập trung học, bố mẹ yên tâm đi làm", vị phụ huynh tâm sự.
Ngày nào chị Trần Bích Thanh (32 tuổi, La Khê, Hà Nội) cũng vào các trang mạng xã hội, hội nhóm phụ huynh để ngóng tin Hà Nội cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại. Càng ngóng chị càng sốt ruột và dần thất vọng vì ngày con trở lại trường vẫn là ẩn số. Chị dùng từ “cuồng” để miêu tả khát khao được đi học, gặp, chơi với bạn bè của con trai.
Thời gian đỉnh dịch, 4 người trong gia đình chị đều mắc COVID-19. Sau 1 tuần cả nhà âm tính. Chị nhận thấy việc mắc COVID-19 khá nhẹ nhàng, không nghiêm trọng như những gì từng lo sợ trước đó, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ảnh hưởng của COVID-19 không nặng bằng việc ở nhà lâu con bất ổn về mặt tâm lý. Do đó chị sẵn sàng để con được đến trường dù có thể đối diện với nguy cơ tái nhiễm. Suy xét giữa 2 việc đi học hay ở nhà thì chị vẫn chọn cho con đến trường.
Tương tự, chị Phan Thị Ngà (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cuộc sống hạn chế trong hơn 2 năm qua đã quá sức với nhiều người, đặc biệt là trẻ em. Mặt khác, chúng ta cũng có đủ thời gian chuẩn bị để trực tiếp đương đầu với nó như năng lực y tế, tỷ lệ tiêm vaccine cao, chủng virus hiện tại lây nhanh nhưng tỷ lệ bệnh nhân triệu chứng nặng, nguy cơ tử vong thấp hơn.
Bên cạnh nguy cơ trẻ lây nhiễm cao khi đi học, mặt tích cực của nó là rút ngắn thời gian về yếu tố miễn dịch cộng đồng. Khoảng 1-1,5 tháng đầu, số lượng học sinh đi học sẽ xáo trộn. Nhưng sau đó, tỷ lệ trẻ đến lớp sẽ tăng lên. Điều này giúp Hà Nội sớm kiểm soát ca nhiễm như TP.HCM. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để cho các con đến trường, không nên chờ tiêm vaccine rồi mới đi học.
Việc cho trẻ đến trường không chỉ là mong muốn của phụ huynh mà còn là mong mỏi của nhiều thầy cô. Theo cô Nguyễn Phương Thảo, trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm học, trong khi lịch tiêm vaccine cho trẻ 5 - 11 tuổi thành phố chưa chốt. Nhanh nhất thì nửa đầu tháng 4 tới trẻ được tiêm mũi 1 và cần thêm 2 tuần cuối của tháng 4 để vaccine phát huy tác dụng. Đó là chưa kể nếu Hà Nội tính toán phải tiêm đủ 2 mũi vaccine mới cho trẻ đến trường giống như từng áp dụng với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trước đó thì chắc chắn, năm học này các con học online 100%, không đến trường này nào.
Trong khi đó, rất nhiều trẻ 5 đến 11 tuổi hiện đã mắc và khỏi COVID-19. Đặc biệt, sau khi trải qua quá trình điều trị bệnh cùng con thì phụ huynh trong lớp cô chủ nhiệm không còn lo sợ COVID-19. "Thay vì phản đối việc mở cửa trường như trước đây thì hầu hết phụ huynh đều quay ngược trở lại cho con hoà nhập cộng đồng, mong muốn được đi học để con không bị ảnh hưởng tâm sinh lý và kiến thức học tập", cô Thảo nói.
Cô Nguyễn Thị Lan, trường Tiểu học Đoàn Kết chia sẻ, hồi tháng 1 chỉ khoảng 60% phụ huynh đồng ý cho học sinh trở lại trường, nhưng đến nay hơn 80% mong ngóng ngày trường học mở cửa. Thời gian qua, giáo viên và nhà trường triển khai tốt việc học trực tuyến nhưng vẫn không tránh khỏi những khó khăn, bất cập. Với khối 1-2, phụ huynh không thể phối hợp kèm cặp con sát sao như trước do phải đi làm. Giáo viên thường xuyên trao đổi, thậm chí nhắc nhở phụ huynh theo sát con làm bài tập về nhà.
Cô Lan thừa nhận, việc học online khiến chất lượng học sinh giảm sút hơn so với năm trước, học sinh tính toán và tập đọc tốc độ cũng chậm hơn. "Đây là điều dễ hiểu vì nếu đi học trực tiếp, giáo viên sẽ kèm cặp và để ý tốt hơn, các em cũng có tinh thần đua nhau học tốt hơn", cô nói và cho rằng, dù chỉ còn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm học nhưng vẫn cần cho các em tới trường vừa củng cố kiến thức, vừa giải phóng năng lượng tiêu cực trong tâm lý. Nếu cả năm không được tới trường học trực tiếp, gánh nặng kiến thức và tâm lý sẽ dồn sang năm học sau khiến cả cô và trò vất vả hơn.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Hoàng Mai, Hà Nội nên quyết liệt hơn trong việc cho học sinh tới lớp. Sau nhiều tháng dạy, học trực tuyến, sức khỏe thể chất, tinh thần và kỹ năng giao tiếp của học sinh đều bị ảnh hưởng.
TS tâm lý Nguyễn Thị Nga, Trung tâm nghiên cứu tâm lý vị thành niên Hà Nội cảnh báo, trẻ ở nhà quá lâu sẽ gặp nhiều rào cản như: mất kỹ năng, nề nếp do ở nhà lâu, không có động cơ tham gia được vào bất cứ hoạt động nào khi đi học... Thậm chí, một số em hành vi, cảm xúc mất kiểm soát là hệ quả của tổn thương sức khoẻ tâm thần. Do đó, cần cho trẻ hoà nhập cộng đồng, được vui đùa đúng với sở thích, năng lượng vốn có như trước đây, bà Nga nói.
Hầu hết các địa phương trên cả nước đều cho trẻ từ 5-11 tuổi đi học dù chưa được tiêm vaccine COVID-19, trong đó có TP.HCM. "Việc Hà Nội chưa quyết định thời gian cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường với lý do chờ tiêm vaccine là không thuyết phục và quá thận trọng", tiến sĩ Nga nói.
Về vấn đề cho học sinh đi học, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, Sở đang phối hợp với Sở Y tế chuẩn bị các phương án tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, sau khi triển khai tiêm vaccine cho lứa tuổi này đơn vị sẽ lên kế hoạch mở cửa trường trở lại, đảm bảo an toàn cho học sinh. Sở chưa có phương án đề xuất thời gian cho trẻ khối mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại.
Trước đó, ngày 28/3, tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội bàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 28/3, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị ngành y tế đảm bảo sẵn sàng phương án, tổ chức diễn tập tiêm vaccinen cho trẻ dưới 12 tuổi. Khi có thuốc, có phác đồ là triển khai tiêm nhanh, hiệu quả như đợt tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi hồi năm 2021.
"Phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro", ông Dũng nói.
Hà CườngÔng Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của toàn thành phố đi học trực tiếp. Trong đó, tỷ lệ học sinh THCS đến trường đạt 80,78%; tỷ lệ này ở cấp THPT đạt 87,42%. Còn lại các cấp mần non, tiểu học và lớp 6 vẫn tiếp tục duy trì học online.