Ghi nhận các giải pháp, cam kết của thành viên Chính phủ tại phiên chất vấn

Xã hội - Ngày đăng : 18:55, 31/03/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất đánh giá phiên chất vấn đầu tiên của UBTVQH nhiệm kỳ khóa XV đã diễn ra sôi nổi và thành công tốt đẹp. Các Bộ trưởng thể hiện tinh thần trách nhiệm, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi để giải quyết các tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH15 - Ảnh 1.

UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH khóa XV.

Nghị quyết nêu rõ: Qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH là rất "đúng" và "trúng", vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân cả nước. Các vị đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri, nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát thực tiễn và lĩnh vực được chất vấn, đặt các câu hỏi và tranh luận có chất lượng. Các vị Bộ trưởng thể hiện tinh thần trách nhiệm, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề tồn tại nhiều năm; đồng thời, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi để khắc phục các vấn đề bất cập, vướng mắc, giải quyết các tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đã được chỉ ra trong quá trình chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp đã tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn.

UBTVQH ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn.

Bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống

UBTVQH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực chất vấn.

Cụ thể, đối với lĩnh vực công thương, UBTVQH yêu cầu xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống.

Có giải pháp tổng thể, căn cơ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh.

Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu.

Tiếp tục điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân.

Kết hợp việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác để bình ổn thị trường; trường hợp giá xăng, dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn (như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp…).

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… phù hợp với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch.

Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định.

TIN LIÊN QUAN
  • UBTVQH thông qua Nghị quyết về chất vấn-trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9

    UBTVQH thông qua Nghị quyết về chất vấn-trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9

  • Trả lời chất vấn làm sáng tỏ nhiều vấn đề 'bức xúc', cử tri thêm niềm tin

    Trả lời chất vấn làm sáng tỏ nhiều vấn đề 'bức xúc', cử tri thêm niềm tin

  • Hai nội dung được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng

    Hai nội dung được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng

  • Chất vấn, giải trình thỏa đáng những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm

    Chất vấn, giải trình thỏa đáng những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm

  • Chất vấn và trả lời chất vấn: Cùng làm sáng tỏ vấn đề

    Chất vấn và trả lời chất vấn: Cùng làm sáng tỏ vấn đề

  • UBTVQH tập trung chất vấn các vấn đề về xăng dầu, đất đai đô thị

    UBTVQH tập trung chất vấn các vấn đề về xăng dầu, đất đai đô thị

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý, điều hành thị trường xăng, dầu; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng nói chung và xăng, dầu nói riêng…

Ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý, tái chế rác thải thân thiện môi trường

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và các luật có liên quan bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.

Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ cho từng địa phương, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tỷ lệ che phủ rừng và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi cố ý gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất; có chính sách hỗ trợ người dân phục hồi đất hoang hóa, đất bị thoái hóa do ảnh hưởng của quá trình sản xuất. Hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai.

Triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ xanh, hạn chế xả thải ra môi trường, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải, chất thải rắn công nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia trong năm 2022.

Quan tâm đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (kể cả nguồn lực xã hội hóa) cho công tác thu gom, xử lý nước thải và chất thải rắn sinh hoạt (rác thải); tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo về môi trường.

Thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý nước thải và rác thải. Chú trọng giải pháp, phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, chất thải y tế, nhất là chất thải lây nhiễm phát sinh từ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Năm 2022, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật, hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Ưu tiên sử dụng công nghệ xử lý, tái chế thân thiện môi trường, công nghệ xử lý chất thải rắn thu hồi năng lượng, giảm dần việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, nhất là trong lĩnh vực quản lý rác thải, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm.

Nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.