Bà Rịa - Vũng Tàu: Xử lý nghiêm việc sử dụng đất không đúng mục đích

Kinh doanh - Ngày đăng : 17:17, 31/03/2022

Gần đây, tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, san lấp mặt bằng và làm đường bê tông trên đất nông nghiệp để phân lô bán nền vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
1-xay-dung-duong-tren-dat-nong-nghiep.jpg
Tự ý làm đường trên đất nông nghiệp rồi phân lô bán nền

Sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích

Theo báo cáo mới đây của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để chấn chỉnh, kiểm soát, hạn chế tình trạng một số cá nhân lợi dụng quy định tách thửa, ngoài việc yêu cầu các Sở, ngành chức năng và địa phương tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn ban hành Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 20/9/2021 quy định chặt chẽ hơn những điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo đó, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã giải quyết 417 hồ sơ tách thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Thủ tục tách thửa được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND trên. Cụ thể, đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu của các thửa đất sau khi tách tại địa bàn các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và huyện Côn Đảo là 500m² và tại địa bàn các xã còn lại là 1.000m².

Còn đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, các thửa đất sau khi tách thửa phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 500m² với các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và huyện Côn Đảo và 1.000m² với các địa bàn còn lại và phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông do Nhà nước quản lý.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thời gian gần đây, mặc dù công tác quản lý đất đai ở hầu hết các địa phương đã đi vào nề nếp hơn nhưng tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, san lấp mặt bằng và làm đường bê tông trên đất nông nghiệp rồi phân lô bán nền lại có chiều hướng gia tăng. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến định hướng quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đô thị, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử như ở huyện Đất Đỏ, qua khảo sát thực địa ở địa phương cho thấy, nhiều thửa đất nông nghiệp được người dân tự đổ đá, làm đường, sử dụng đất sai mục đích; có thửa đất nông nghiệp diện tích hơn 21.600m2 được tách thành 41 thửa. Tuy nhiên, qua khảo sát, khu đất trên thực tế không canh tác nông nghiệp mà có dấu hiệu bị chủ đất cắm cọc phân lô và đổ đá làm đường trên đất.

Ông Huỳnh Sơn Thái, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết: Các thửa đất trên đều là đất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm và có tình trạng làm đường trên đất nông nghiệp trái quy định. Chính quyền địa phương cũng đã tiến hành xử lý nghiêm những sai phạm này. Đến nay, cơ bản chủ sở hữu các thửa đất này đã chấp hành việc khắc phục hậu quả để trả lại hiện trạng đất ban đầu.

Cũng theo ông Huỳnh Sơn Thái, đối với các chủ đất đã làm đường trên đất nông nghiệp trái quy định, huyện Đất Đỏ chỉ đạo địa phương lập biên bản và buộc chủ đất phải trả lại hiện trạng đất ban đầu. Còn đối với tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp trái phép, huyện Đất Đỏ đề nghị Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện kiến nghị UBND tỉnh không cho tách thửa đối với các lô đất nông nghiệp không có đường. Riêng đối với các chủ sở hữu đất nằm trong danh sách sai phạm trong giao dịch đất đai, huyện Đất Đỏ sẽ đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện tạm dừng không giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai.

2-canh-bao-phan-lo-ban-nen.jpg
Biển cảnh báo phân lô, bán nền tại xã Long Sơn (TP. Bà Rịa)

"Mạnh tay" xử lý vi phạm về đất đai

Mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình phân lô tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Để xảy ra tình trạng quảng cáo sai sự thật mục đích sử dụng đất, làm đường trên đất nông nghiệp là do sự lơ là, buông lỏng quản lý địa bàn của chính quyền cấp cơ sở. Bên cạnh đó, công tác phối kết hợp giữa các Sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm để xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm.

Cụ thể, vụ việc tự ý làm đường trên đất nông nghiệp báo chí phản ánh tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, địa phương đã phát hiện sai phạm nhưng chưa quyết liệt ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Công an và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm của cơ quan Nhà nước và các cá nhân, tổ chức liên quan và xử lý theo quy định.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Thọ yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với các trường hợp làm đường giao thông, xây dựng trái phép, không đúng quy định khi tách thửa.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, quản lý chặt chẽ hiện trạng đất nông nghiệp theo quy hoạch, thường xuyên cập nhật thông tin các dự án phân lô, bán nền trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội để kịp thời xử lý, ngăn chặn nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân; triển khai hệ thống đường dây nóng để ghi nhận và xử lý kịp thời những ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến đất đai, xây dựng.

Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, giao trách nhiệm quản lý địa bàn cho Chủ tịch xã, phường, thị trấn và thường xuyên kiểm tra phát hiện xử lý sớm ngay từ đầu các sai phạm. Các vụ việc sai phạm phải được mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, xử lý rốt ráo, nghiêm minh cán bộ công chức, viên chức, cá nhân, tổ chức liên quan. Xét mức độ vi phạm phải công khai kết quả xử lý rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe làm gương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ cũng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai. Trong đó, chú trọng tới việc triển khai các phần mềm cung cấp thông tin cho người dân tra cứu, truy cập; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhất là đối với cấp xã.

Linh Nga