Trung Quốc có thể trở thành 'cứu tinh' để Taliban vực dậy kinh tế Afghanistan

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:57, 31/03/2022

Thay vì đập phá như trước đây, Taliban đang bảo vệ nghiêm ngặt khu di tích lịch sử có trữ lượng đồng lớn để chờ Trung Quốc trở lại đầu tư và khai thác.

Những bức tượng Phật cổ nằm bên trong các hang động ở khu di tích Mes Aynak thuộc vùng nông thôn của Afghanistan đang được lực lượng Taliban bảo vệ nghiêm ngặt. Nguyên nhân là vì nằm sâu hàng trăm mét dưới các bức tượng cổ là mỏ đồng được ước tính có trữ lượng lớn nhất thế giới.

Việc chính quyền lâm thời Taliban ra sức bảo vệ khu di tích là vì hy vọng Trung Quốc quay trở lại đầu tư và khai thác đồng. Đây sẽ trở thành nguồn thu giúp Taliban vượt qua “cơn khát” tiền mặt và cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đang diễn ra.

Trung Quốc có thể trở thành 'cứu tinh' để Taliban vực dậy kinh tế Afghanistan
Taliban mong chờ Trung Quốc quay trở lại rót tiền đầu tư khai thác mỏ đồng quy mô lớn nằm dưới di tích lịch sử ở Afghanistan. (Ảnh: AP)

Điều đáng nói, vào giai đoạn nắm quyền lần đầu tiên cách đây 20 năm, chính Taliban từng gây ra cơn giận dữ trên toàn thế giới khi phá hủy các bức tượng Phật khổng lồ nằm ở nhiều khu vực nằm trên lãnh thổ Afghanistan. Bởi Taliban cho rằng đây là biểu tượng của ngoại giáo và cần được loại bỏ.

Nhưng nay, với Taliban, những bức tượng Phật còn lại ở di tích Mes Aynak lại là thứ đáng giá cần được bảo vệ. Như lời ông Hakumullah Mubariz, người đứng đầu đội an ninh Taliban bảo vệ di tích Mes Aynak, cho hay đây là chìa khóa để mở số tiền hàng tỉ USD đầu tư từ Trung Quốc.

“Bảo vệ di tích là điều quan trọng đối với cả chúng tôi và Trung Quốc”, AP dẫn lời ông Hakumullah.

Việc Taliban thay đổi thái độ từ phá hủy sang bảo vệ di tích Mes Aynak cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ từ lĩnh vực khai khoáng chưa được đầu tư tại Afghanistan. Chính quyền lâm thời Taliban đang coi nguồn khoáng sản trị giá khoảng 1 nghìn tỉ USD là chìa khóa mang lại sự thịnh vượng trong tương lai.

Nhưng thực tế không ai có thể khai thác khoáng sản ở nơi mà chiến tranh và bạo loạn vẫn xảy ra. Hiện tại, nhiều quốc gia như Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm cách đầu tư để lấp chỗ trống mà Mỹ để lại sau khi rút toàn bộ binh sĩ và khí tài từ Afghanistan về nước.

Song Trung Quốc được nhận định là nhà đầu tư quyết đoán nhất. Tại di tích Mes Aynak, Trung Quốc có thể là cường quốc đầu tiên triển khai một dự án khai khoáng quy mô lớn tại Afghanistan dưới thời Taliban nắm quyền.

Trung Quốc có thể trở thành 'cứu tinh' để Taliban vực dậy kinh tế Afghanistan
Taliban bảo vệ nghiêm ngặt khu di tích thay vì phá hủy như cách đây 20 năm. (Ảnh: AP)

Vào năm 2008, chính quyền cũ của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã ký kết bản hợp đồng 30 năm với Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) để khai thác đồng ở mỏ Mes Aynak. Nghiên cứu cho thấy trữ lượng đồng ở đây là 12 triệu tấn.

Ngay sau khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8/2021, Taliban đã nhanh chóng bổ nhiệm ông Shahbuddin Dilawar làm Bộ trưởng Khai khoáng và Dầu khí để tái kết nối với các công ty quốc doanh của Trung Quốc.

Điển hình, Bộ trưởng Dilawar đã 2 lần họp trực tuyến với MCC trong 6 tháng qua. Ông này đã hối thúc Trung Quốc trở lại khai thác ở mỏ đồng và hứa không thay đổi bất cứ điều khoản nào trong bản hợp đồng đã ký kết vào năm 2008.

Được biết, một ủy ban kỹ thuật của MCC sẽ có mặt ở thủ đô Kabul trong vài tuần tới nhằm giải quyết những vấn đề khúc mắc. Điều quan trọng nhất là di dời các bức tượng Phật cổ trước khi khai thác đồng nằm dưới lòng đất. Ngoài ra, MCC cũng đang tìm cách thương lượng lại các điều khoản trong hợp đồng như giảm thuế và giảm một nửa phí nhượng quyền khai khoáng đang ở mức 19,5% cho mỗi tấn đồng bán được.

"Các công ty Trung Quốc nhận định tình hình hiện tại là lý tưởng. Ho không phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh quốc tế, mà còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền Taliban", ông Ziad Rashidi, Cục trưởng Cục Quan hệ Đối ngoại thuộc Bộ Khai khoáng và Dầu khí Afghanistan cho biết.

Với Trung Quốc, các nguồn khoáng sản quý hiếm là chìa khóa để duy trì vị thế cường quốc sản xuất toàn cầu.

Còn đối với Taliban, dự án khai thác ở di tích Mes Aynak ước tính mang về 250 - 300 triệu USD mỗi năm, kèm theo 800 triệu USD phí nhượng quyền trong suốt thời gian thi hành hợp đồng. Đây được xem là nguồn thu đáng kể đối với Afghanistan giữa cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Minh Thu (lược dịch)