Hàng từ Trung Quốc khó nhập về, dân bán hàng online như ngồi trên lửa

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 14:14, 31/03/2022

Mòn mỏi chờ hàng nhập từ Trung Quốc về để bán online, nhiều người khốn đốn vì ngoài chết vốn, còn chịu tổn thất thêm về chi phí kho bãi, nhân sự.

Đã hơn 1 tháng nay, anh Hoàng Thịnh (Cầu Giấy, Hà Nội) phải dừng page bán hàng online và cho 2 nhân viên của mình tạm nghỉ vì không có hàng để bán.

“Làm nghề bán hàng online, quan trọng nhất là tìm được sản phẩm “hot”, sau đó là thời gian nhập hàng về. Mỗi sản phẩm chỉ dễ bán nhất trong khoảng 1-2 tháng đầu tiên. Qua thời gian đó, nhiều người khác cũng sẽ phát hiện ra và cùng bán sản phẩm này. Sự cạnh tranh bắt đầu xuất hiện, các bên chủ yếu là cạnh tranh nhau về giá, việc tiêu thụ vì thế khó hơn. Ngoài ra, không ít nơi bán hàng chất lượng kém nhưng vẫn quảng cáo như hàng tốt dẫn đến mặt hàng này sẽ “nát” và không thể bán được nữa”, anh Thịnh nói.

Theo anh Thịnh, việc nhập hàng từ Trung Quốc không quá phức tạp, chỉ cần đặt hàng, chuyển tiền thì hàng sẽ về tận tay sau khoảng 15 - 20 ngày. Đây cũng là khoảng thời gian mà những người bán hàng online như anh Thịnh chuẩn bị các chiến dịch quảng cáo, chờ hàng về đến tay thì bắt đầu bán.

Đang "ăn nên làm ra", nhất là trong bối cảnh COVID-19 khiến khách hàng chuộng mua hàng online thì từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, công việc của anh Thịnh bắt đầu chững lại vì việc nhập hàng về từ Trung Quốc trở nên khó khăn hơn, thậm chí có lúc chờ 1 tháng đến 1,5 tháng cũng không thấy hàng đâu.

Các bên vận chuyển đều báo về rằng phải mất nhiều thời gian hơn bởi phía Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát phòng chống dịch tại các cửa khẩu. Hàng không về kịp, tôi đã phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Lô hàng đó chờ sau Tết rồi xử lý. Tuy nhiên, đến giờ hàng vẫn chưa về. Không có hàng mà bán, cả chủ và nhân viên đều thất nghiệp. Tôi còn đọng 200 triệu đồng ở lô hàng đó”.

Hàng từ Trung Quốc khó nhập về, dân bán hàng online như ngồi trên lửa - 1

Nhiều người bán online khốn đốn vì hàng khó nhập về từ Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Tương tự, anh Dương Thanh Hoàng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết, anh đang phải tạm dừng hoạt động sau gần 3 năm gắn bó với nghề bán hàng online do từ sau Tết Nguyên đán đến nay, anh rất khó nhập hàng từ Trung Quốc về, trong khi nguồn hàng của anh chủ yếu có nguồn gốc từ nước này.

“Tôi nhập một lô hàng gần 50 triệu đồng từ đầu tháng 2 đến giờ và vẫn chưa nhận được. Tiền hàng thì găm vào đấy trong khi khoản thu vào không có vì đang dừng bán”, anh Hoàng than.

Anh Hoàng được các đơn vị cung ứng và vận chuyển báo về là do phía Trung Quốc đang siết chặt các cửa khẩu để thực hiện chính sách "zero-COVID", việc thông quan hàng hóa vì thế bị ách tắc.

“Tôi làm quy mô nhỏ, tận dụng luôn nhà ở làm kho hàng, không thuê nhân viên nên khi không có hàng để bán thì chỉ bị găm tiền hàng thôi. Không như một vài người làm lớn, phải thuê nhân viên, thuê kho thì hàng ngày họ vẫn mất tiền thuê kho bãi, vẫn phải trả lương cho nhân viên trong khi không có hàng mà bán, cứ kéo dài như vậy thì thiệt hại tăng lên rất nhiều”, anh Hoàng nói.

Trong khi đó, anh Trần Đức Hoàng, Giám đốc một công ty logistic chuyên vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam và ngược lại cho biết: “Trung Quốc đang siết chặt nhiềucửa khẩu, cảng biển, thành phố. Những hàng hóa mà người Việt đã mua từ đây mà chưa sang Việt Nam được thì phải lưu ca, nghĩa là lưu xe hàng lại bãi ở Trung Quốc chưa hẹn ngày sang Việt Nam”.

Chi phí lưu ca cũng rất lớn, tuỳ vào loại xe mà chủ xe sẽ mất từ 800.000 - 2 triệu đồng/ngày. Không thiếu những người cứ mỗi ngày mở mắt ra là mất 20 - 30 triệu đồng tiền lưu ca. Tùy từng loại hàng và hợp đồng giữa chủ hàng và đơn vị vận chuyển mà phần chi phí này sẽ do chủ hàng hoặc đơn vị vận chuyển phải chịu.

“Có những đơn hàng chúng tôi chỉ làm dịch vụ vận chuyển thì toàn bộ chi phí lưu ca là chi phí phát sinh, chủ hàng phải chịu. Còn có những chuyến hàng chúng tôi đứng ra nhận hàng luôn thì chi phí lưu ca đó chúng tôi phải chi trả. Công ty chúng tôi hiện bị mắc 3 xe phải lưu ca ở Trung Quốc từ thời điểm cách đây khoảng hơn 2 tuần. Chỉ tính riêng khoán phí lưu ca đã là 50 triệu đồng mỗi xe. Nghĩa là chúng tôi đã mất 150 triệu đồng chi phí này rồi, ấy là còn chưa biết đến khi nào xe mới về được”, anh Hoàng nói.

Ngoài ra, anh Hoàng cũng cho biết rằng khách hàng của anh có nhiều trường hợp còn đọng hàng tỷ đồng tiền hàng ở Trung Quốc vì không thể chuyển hàng về Việt Nam.

CÔNG HIẾU

CÔNG HIẾU