Cô gái 20 tuổi đi khám do đau xương, nào ngờ bị u tuyến cận giáp
Tin Y tế - Ngày đăng : 12:54, 30/03/2022
Căn bệnh nữ bị nhiều hơn nam
Bệnh viện Quân y 103 vừa điều trị thành công cho bệnh nhân N.T.T (20 tuổi) đến bệnh viện khám do đau xương cánh tay, xương hàm và xương đùi sau ngã.
Trước đó, chị đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán u tế bào xương khổng lồ, tổn thương xương ở nhiều vị trí.
Tại Bệnh viện Quân y 103, các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu cho thấy, chị T. có khối u ở vị trí tuyến cận giáp bên trái có cấu trúc khối, kích thước 17x 19mm. Các bác sĩ khoa phẫu thuật Lồng ngực đã phẫu thuật khối u tuyến cận giáp trái, ghép xương đồng loại – xương cánh tay trái, điều trị giảm đau cho người bệnh.
Ca phẫu thuật được thực hiện thành công. Sức khỏe chị T. sau đó có tiến triển tốt.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Quân Y 103, u tuyến cận giáp là một loại u thuộc hệ nội tiết, ít gặp, ít được biết đến. U thường có kích thước nhỏ nhưng tăng tiết hóc môn gây tăng canxi máu tác động đến thận, xương.
Bệnh thường được phát hiện muộn, khi đã có biến chứng nặng nề gây sỏi thận, suy thận, gãy xương… làm ảnh hưởng sinh hoạt, lao động thậm chí là tàn phế. Phát hiện và điều trị bệnh sớm rất có ý nghĩa nhằm ngăn ngừa biến chứng và di chứng.
Tại các nước phát triển, thống kê cho thấy u tuyến cận giáp hay gặp thứ ba trong số các bệnh nội tiết, sau đái tháo đường và bệnh lý tuyến giáp. Bệnh gặp với tỷ lệ 0,1 - 0,4% dân số, ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất 50 - 60 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam theo tỷ lệ 3/1. Ở nước ta, bệnh còn ít gặp.
Theo TS.BS Vũ Trung Lương, Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, u tuyến cận giáp chiếm 85 - 90% nguyên nhân cường cận giáp nguyên phát. Khoảng 90% trường hợp là u đơn độc, lành tính, ngoài ra cũng có thể gặp tăng sản tuyến hoặc ung thư tuyến cận giáp.
“Cho đến nay, nguyên nhân gây ra u tuyến cận giáp lành tính còn chưa rõ ràng. Đa số là u đơn độc, xuất phát từ một dòng tế bào bị đột biến. Một số yếu tố thuận lợi dẫn đến u tuyến cận giáp như tiền sử chiếu xạ vùng cổ, do dùng thuốc như: estrogen, lợi tiểu thiazide, thuốc lithium và do yếu tố di truyền”, bác sĩ Lương chia sẻ.
Dễ nhầm với bệnh khác
Theo bác sĩ Lương, u tuyến cận giáp có các triệu chứng không đặc hiệu rất thường gặp, không đặc hiệu cho cơ quan nào. Bệnh nhân thường biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, khát nhiều, gầy sút cân. Khát nhiều là hậu quả của đái nhạt tại thận gây tiểu nhiều. Tiểu nhiều cùng với chán ăn gây tình trạng mất nước.
Triệu chứng về thận tiết niệu: Tiểu nhiều thường kèm khát nhiều, tăng về đêm, còn được gọi đái nhạt tại thận do thận mất khả năng cô đặc nước tiểu. Ngoài ra có thể gặp tiểu máu, tiểu buốt do sỏi di chuyển gây viêm nhiễm.
Triệu chứng về cơ xương khớp: Đau khớp mạn tính, do canxi lắng đọng ở sụn. Một số trường hợp biểu hiện giả bệnh gút. Đau xương ở xương dài nhiều hơn (xương đùi, cẳng chân …), đau âm ỉ, liên tục. Mỏi cơ, teo cơ vùng gốc chi, cơ lực giảm làm bệnh nhân vận động, đi lại khó khăn.
Các triệu chứng về tâm thần kinh: Mất ngủ, giảm trí nhớ, run tay.
“Trái ngược với triệu chứng cơ năng rầm rộ, thăm khám lâm sàng thường không thấy gì bất thường. Thăm khám vùng cổ thường không có gì đặc biệt, chỉ sờ thấy khi u đã to với đặc điểm khối nằm vùng quanh tuyến giáp, mật độ chắc, di động khi nuốt”, bác sĩ Lương chia sẻ.
Bác sĩ Lương cảnh báo, u tuyến cận giáp nếu phát hiện sẽ dẫn đến nồng độ canxi, PTH máu cao trong thời gian dài sẽ gây tổn thương lên nhiều cơ quan khác nhau. Tổn thương thận lâu ngày dẫn tới viêm thận, bể thận mạn, suy thận. Xương bị tiêu dần gây gãy xương bệnh lý, mất vận động.
Nồng độ canxi máu tăng cao có thể dẫn tới rối loạn ý thức thậm chí hôn mê, rối loạn dẫn truyền tim, ngừng tim.
Vì vậy, khi có các triệu chứng trên, người bệnh đi khám, làm các siêu âm, xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.