Ung thư tuyến tiền liệt hầu như không có triệu chứng điển hình, người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn, dẫn đến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
Theo các thống kê tổng hợp từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, số lượng người bị ung thư tuyến tiền liệt tăng lên đáng kể hàng năm.
Căn bệnh này có tỷ lệ người mắc cao thứ 2 ở nam giới trong các loại ung thư, sau ung thư phổi, theo nghiên cứu năm 2020 của cơ quan nghiên cứu ung thư thế giới.
Điều đáng buồn là đa số người bệnh thường đến khám ở giai đoạn muộn, dẫn đến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các bác sĩ nhấn mạnh tầm soát và phát hiện sớm vẫn là yếu tố quan trọng giúp điều trị ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả.
Ai dễ mắc ung thư tuyến tiền liệt?
Bác sĩ chuyên khoa I Phó Minh Tín, Quản lý và điều hành khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, dẫn số liệu 6.300 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện mỗi năm tại Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ tử vong lên đến 43%.
Riêng tại khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mỗi năm tiếp nhận gần 150 ca ung thư tuyến tiền liệt.
Theo bác sĩ Tín, nam giới từ 50 trở lên hoặc trên 45 tuổi và có tiền căn gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt là những đối tượng nguy cơ cao, cần chú ý sức khỏe và thực hiện thăm khám tổng quát để được lưu ý cũng như phát hiện sớm nếu có bệnh.