Những nhà băng nào đang là chủ nợ của FLC?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 08:20, 30/03/2022

Theo BCTC quý 4/2021 của FLC, lũy kế từ đầu năm đến 31/12/2021, tập đoàn vay nợ hơn 6.200 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, FLC phải chi 2.986 tỷ đồng để trả nợ gốc vay và gần 26 tỷ đồng để trả nợ gốc thuê tài chính.
Những nhà băng nào đang là chủ nợ của FLC?

Tại thời điểm kết thúc năm tài chính 2021, lượng tiền và tương đương tiền của FLC là 176 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt tại quỹ chỉ 11,47 tỷ đồng, tiền gửi tại ngân hàng không kỳ hạn 75,33 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền 89,22 tỷ đồng.

Con số này thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước bởi tại thời điểm cuối kỳ năm 2020, FLC có lượng tiền và tương đương tiền lên đến 1.215 tỷ đồng.

Về chi phí trả lãi vay, tại thời điểm cuối năm 2021 tổng chi phí lãi vay trong kỳ của FLC lên đến 111,341 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản phải trả ngắn hạn là 4.439 tỷ đồng và phải trả dài hạn là 3.942 tỷ đồng.

Về các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, FLC đang vay ngắn hạn 1.368 tỷ đồng tại các ngân hàng, tổ chức tài chính. Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) chi nhánh Hà Nội là chủ nợ lớn nhất đối với các khoản vay ngắn hạn của FLC với hai khoản cho vay tổng trị giá 584 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chi nhánh Hà Nội là chủ nợ lớn lớn thứ hai với dư nợ hơn 573 tỷ đồng.

Tiếp đến, Agribank là chủ nợ lớn thứ ba tại FLC về cho vay ngắn hạn với dư nợ 79,750 tỷ đồng. Khoản nợ ngắn hạn tại các ngân hàng khác là 131 tỷ đồng.

Về các khoản vay dài hạn đến hạn phải trả, số nợ phải trả tính đến 31/12/2021 là 506,66 tỷ đồng. Trong đó, hai khoản cho vay của BIDV trị giá 404 tỷ đồng và khoản cho vay của Agribank là 60 tỷ đồng. Khoản vay dài hạn đến nợ phải trả tại các tổ chức khác là 43 tỷ đồng.

Trong năm 2021 FLC đã vay ngân hàng SHB, Công ty Chứng khoán MBS thông qua phát hành trái phiếu 668,541 tỷ đồng. Khoản nợ từ huy động trái phiếu của FLC là 150 tỷ đồng.

Những nhà băng nào đang là chủ nợ của FLC?

Đối với các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên đến 3.296 tỷ đồng, BIDV đang là chủ nợ lớn nhất với khoản cho vay hơn 1.343 tỷ đồng; Agribank hơn 29 tỷ đồng. Sacombank chi nhánh Hà Nội cho vay dài hạn 1.840 tỷ đồng và cũng mới chỉ giải ngân trong năm 2021.

Ngoài ra, các khoản vay dài hạn tại ngân hàng khác là hơn 84 tỷ đồng. Công ty Cho thuê Tài chính Ngân hàng VietinBank (VietinBank Leasing) cũng đang cho FLC vay dài hạn 4,8 tỷ đồng.

FLC cũng vay dài hạn các ngân hàng hơn 868 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021 thông qua phát hành trái phiếu. Trong đó, riêng ngân hàng OCB đã chi hơn 818 tỷ đồng mua trái phiếu do FLC phát hành, trong khi ngân hàng NCB chi 50 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số nợ tính đến 31/12/2021 của FLC hơn 6.200 tỷ đồng, vẫn thấp hơn so với vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng của tập đoàn. Trong đó, Sacombank là chủ nợ lớn nhất với dư nợ 1.840 tỷ đồng; tiếp đến là BIDV 1.747 tỷ đồng; OCB 1.392 tỷ đồng; NCB 634 tỷ đồng; Agribank 168 tỷ đồng; Chứng khoán MBS 150 tỷ đồng; các ngân hàng còn lại 273 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn FLC được thành lập năm 2009, đăng ký thay đổi lần thứ 33 ngày 19/03/2020. Tại ngày 31/12/2021, vốn điều lệ của FLC là 7.099 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại tầng 29, tòa nhà Bamboo Airways, 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Ngân Giang