53 tuổi, Từ Hi xiêu lòng trước thị vệ trẻ: Quyền lực nhưng bất lực để nhân tình ra đi
Gia đình - Ngày đăng : 06:59, 30/03/2022
Trong lịch sử Trung Quốc, Từ Hi thái hậu nổi tiếng là người cứng rắn, đanh thép, độc ác và "phóng khoáng". Sau khi hoàng đế Hàm Phong qua đời, Từ Hi buông rèm nhiếp chính, nắm trong tay vận mệnh giang sơn. Trong những năm tháng trị vì đất nước, Từ Hi từng phong lưu với không ít nam nhân, nhưng chỉ có duy nhất một người khiến thái hậu tưởng nhớ khôn nguôi suốt phần đời còn lại.
Cuộc gặp gỡ khiến trái tim thái hậu thổn thức
Mùa xuân năm 1888, Từ Hi như thường lệ tản bước trong Ngự Hoa Viên ngắm cảnh, thưởng hoa. Vua Quang Tự mỗi ngày đều theo thói quen đến đây thỉnh an thái hậu. Khi đó luôn đi cạnh Quang Tự là thị vệ Na Nhĩ Tô với dung mạo anh tuấn, thần thái phong lưu đã thu hút sự chú ý của Từ Hi. Danh tính của Na Nhĩ Tô cũng không hề tầm thường, ông là cháu trai của trung thân vương nổi danh hiển hách Tăng Cách Lâm Thấm.
Tuy đứng trên đỉnh cao của quyền lực, Từ Hi thái hậu lại mất đi niềm hạnh phúc của một người phụ nữ bình thường. Lần gặp gỡ này với thị vệ Na Nhĩ Tô giống như 1 làn nước tươi mát len lỏi vào trái tim đã khô cằn bấy lâu của thái hậu. Từ Hi khi đó 53 tuổi đã xiêu lòng trước người thị vệ trẻ tràn ngập sức sống này.
Từ Hi vừa nhìn thấy đã xiêu lòng trước người thị vệ anh tuấn. (Ảnh: Baidu)
Từ Hi thái hậu lúc bấy giờ có cả hương sắc lẫn địa vị trong tay. Hai người với thân phận và tuổi tác khác nhau rất nhanh sa vào vòng xoáy tình yêu. Vì để có cơ hội gặp gỡ, Từ Hi đã thăng chức cho Na Nhĩ Tô lên nội đại thần và tìm đủ mọi cách giúp người tình tự do ra vào cấm cung. Những lý do mà Từ Hi đưa ra để làm cớ là Bắc Kinh hạn hán, cần truyền Na Nhĩ Tô vào cung để cầu mưa, khi đã có mưa lại yêu cầu ở lại làm lễ tạ thần.
Tuy nhiên những chuyện công cần truyền người không nhiều nên thái giám thân cận thái hậu Lý Liên Anh đã giúp bà nghĩ cách. Thái hậu ra lệnh mỗi ngày cần dùng nước ở núi Ngọc Tuyền để bồi dưỡng thân thể. Vào mỗi buổi tối, Lý Liên Anh sẽ đem theo vài tên thái giám đưa nước vào tẩm cung của Từ Hi. Tổng cộng có hai thùng nước lớn và một trong số đó là nơi Na Nhĩ Tô trốn bên trong để được gặp gỡ Từ Hi thái hậu.
Sự việc bại lộ, tình nhân ngậm vàng tự sát
Dù mỗi ngày đều được thái giám Lý Liên Anh khéo léo sắp xếp nhưng lâu dần giấy không gói được lửa. Tin đồn lan dần ra trong cung, ngay cả phụ thân Na Nhĩ Tô cũng nghe được chuyện này, thấy con trai đêm không về phủ trong thời gian dài nên trong lòng sinh nghi ngờ. Vào một lần có việc triều chính yết kiến Từ Hi trong đêm, ông đã thấy con trai mình và thái hậu ngồi bên cùng nhau. Ông cho rằng mối quan hệ của hai người sau này sẽ là mối họa lớn cho gia tộc nên phụ thân Na Nhĩ Tô đã âm thầm tính cách giải quyết.
Đầu năm 1900, phụ thân đã xin Từ Hi cho Na Nhĩ Tô nghỉ phép 3 tháng đồng thời cùng con trai về quê cúng bái tổ tiên. Vì lý do chính đáng nên Từ Hi thái hậu đã không thể từ chối. Sau khi về quê, Na Nhĩ Tô bị chính phụ thân ép tự sát vì sự an nguy của cả gia tộc.
Sự ra đi của người thị vệ đã khiến Từ Hi đau đớn khôn nguôi. (Ảnh: Baidu)
Trước phần mộ của tổ tiên, Na Nhĩ Tô tự mình giật đứt chuỗi vòng tay do Từ Hi thái hậu tặng. Một nửa ném về phía Bắc Kinh, một nửa còn lại dùng để tự sát. Từ Hi sau khi nghe được tin này vô cùng đau buồn, sau đó đã truy ban cho Na Nhĩ Tô tước vị thân vương. Không lâu sau phụ thân Na Nhĩ Tô cũng bị chết một cách bí ẩn, có nhiều tin đồn cho rằng do Từ Hi thái hậu hạ độc.
Chuyện tình cảm lén lút này của thái hậu và thị vệ trẻ tuy không được chính sử ghi chép nhưng đều được chép lại trong "Tư liệu văn sử nội Mông Cổ" và "Tư liệu văn sử huyện An Khang". Hơn nữa trong cuốn "Thanh Đức Tông thực lục" cũng có chép lại rằng Từ Hi thái hậu quả thực có phong cho Na Nhĩ Tô làm thân vương, đây là chuyện vô cùng hiếm có ở triều Thanh và không phù hợp với quy tắc.
Na Nhĩ Tô khi còn sống không lập được công lao gì nổi trội, chỉ là một nội đại thần, vậy mà sau khi mất lại được thái hậu ưu ái đến vậy đã khiến không ít người tỏ ý nghi ngờ. Có lẽ vì biết bản thân làm như vậy có phần không hợp tình hợp lý nên trong chỉ dụ truy phong, Từ Hi thái hậu có viết "Tự hậu bất năng viên dĩ vi lệ", tức là con cháu đời sau không được phép làm như vậy. Qua đây có thể nói Na Nhĩ Tô chính là nam nhân duy nhất khiến Từ Hi thương nhớ và sủng ái hết mực.
Theo Pháp luật bạn đọc