F0 có nguy cơ đột quỵ cao gấp 7 lần, bác sĩ có lý giải này
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 15:23, 28/03/2022
Tại sao bệnh nhân COVID-19 dễ đột quỵ?
Bà N. T. K. L (64 tuổi, ở Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) có bệnh nền tăng huyết áp và béo phì. Khoảng 19 giờ ngày 28/2, bà xuất hiện đau đầu, buồn nôn, khó thở, tức ngực, sau đó ý thức kém dần, đi vào hôn mê. Bà được người nhà đưa đến Bệnh viện Quân Y 103 cấp cứu.
ThS.BS Nguyễn Quang Huy, Trung tâm điều trị COVID-19, cho biết tại Khoa cấp cứu bệnh viện, bà L. được đặt nội khí quản, thở máy, chụp cắt lớp vi tính sọ não, test nhanh dương tính virus SARS-CoV-2; chẩn đoán COVID-19 kèm đột quỵ chảy máu thân não.
Sau đó, bà được chuyển đến Khoa hồi sức tích cực, Trung tâm điều trị COVID-19 của bệnh viện. Tại đây, bệnh nhân được thông khí nhân tạo, mở khí quản, kiểm soát huyết áp, chống phù não và điều trị COVID-19 theo phác đồ, nuôi dưỡng đường tiêu hoá và tĩnh mạch. Bà duy trì thở máy qua ống nội khí quản 7 ngày, sau đó được mở khí quản. Tiến triển của bệnh nhân tốt dần, cai thở máy sau nhập viện 12 ngày.
Hiện, nữ bệnh nhân đã có kết quả nCoV âm tính và được chuyển đến Khoa Đột quỵ điều trị tiếp.
Đột quỵ là căn bệnh phổ biến hiện nay, có tỷ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng cho người bệnh. Theo bác sĩ Huy, bà L. mắc COVID-19 kèm đột quỵ chảy máu não (xuất huyết não).
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, COVID-19 là nguy cơ gây đột quỵ. Điều này thể hiện ở một số bệnh nhân mắc COVID-19 và đột quỵ gần đây, cụ thể là trường hợp của bệnh nhân L. Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ trong thời gian mắc COVID-19 dao động từ 0.9 - 2.7 % (trung bình 1.2%), cao gấp 7 lần so với virus khác như Influenza.
Nghiên cứu được công bố tại hội nghị Đột quỵ Hoa Kỳ 2022, cho thấy nguy cơ mắc đột quỵ cao nhất trong khoảng 3 ngày đầu tiên sau khi được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng gấp 10 lần. Nguy cơ mắc đột quỵ giảm dần theo các khoảng thời gian 4-7 ngày, 8- 14 ngày và 15-28 ngày. Sau thời gian một năm, dù thấp hơn rõ rệt, nguy cơ mắc đột quỵ vẫn cao hơn ở bệnh nhân có tiền sử nhiễm COVID-19 trước đó.
Lý giải về điều này, bác sĩ Thắng cho rằng, COVID có thể gây ra đột quỵ thiếu máu bằng ba cơ chế chính. Thứ nhất, là cơ chế tăng phản ứng viêm, dẫn đến viêm các mạch máu.
Thứ hai là gây ra tình trạng tăng đông, dẫn đến sự hình thành huyết khối trong hệ động mạch, hệ tĩnh mạch và các cơ quan.
Thứ ba là thuyên tắc huyết khối ngực dòng, đặc biệt trên bệnh nhân còn tồn tại lỗ bầu dục trong tim (PFO). Một số tài liệu cho thấy, nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể gây co mạch, tăng huyết áp dẫn đến xuất huyết não.
F0 nhẹ, không có bệnh nền không đáng lo ngại
Theo PGS. Thắng, bệnh nhân đột quỵ liên quan COVID có các khiếm khuyết chức năng thần kinh nặng hơn. Tuy vậy, chưa loại trừ khả năng, những triệu chứng khi đang nhiễm nCoV làm tình trạng chung nặng thêm. Tương tự, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 38%. Tuổi trung bình mắc đột quỵ trên bệnh nhân mắc COVID-19 là 63 tuổi, mặc dù đã có ghi nhận nhiều trường hợp trẻ tuổi hơn.
Để điều trị đột quỵ cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong giai đoạn cấp, các chuyên gia y tế cho rằng, không thay đổi phương pháp điều trị hiện hành đối với bệnh nhân đột quỵ đã hoặc đang nhiễm nCoV. Điều này có nghĩa là, bác sĩ không nên bỏ qua các điều trị chuẩn như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học nếu bệnh nhân đủ điều kiện.
Đối với bệnh nhân đột quỵ mức độ nặng: nhồi máu não diện rộng, việc sử dụng kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu cần phải cân nhắc đến nguy cơ chuyển dạng xuất huyết trong ổ nhồi máu.
Theo PGS. Thắng, những bệnh nhân hậu COVID-19 được xem là nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ khi đang đồng thời có nhiều yếu tố nguy cơ khác, như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, rung nhĩ, hút thuốc, béo phì…
Cho đến nay, việc phòng ngừa đột quỵ tiên phát hậu COVID chỉ bao gồm việc kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ. Chưa có bằng chứng cho thấy hiệu quả của thuốc kháng đông, hoặc kháng kết tập tiểu cầu trong phòng ngừa đột quỵ tiên phát.
Với người đã bị đột quỵ đồng thời hậu COVID, việc sử dụng kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu nên được duy trì. Việc lựa chọn sẽ tuỳ thuộc vào cơ chế đột quỵ trước đó, không nên chuyển sang thuốc kháng đông chỉ vì hậu COVID.
Theo PGS. Thắng, với F0 nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ đột quỵ kèm theo, nguy cơ đột quỵ sẽ rất thấp nên không cần thiết phải tầm soát đột quỵ thường xuyên.
Tuy nhiên, với F0 có các nguy cơ khác kèm theo, việc tầm soát đột quỵ cũng nên tập trung vào mục tiêu cần hướng đến trong việc kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ này. Không nên lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nếu như bệnh nhân không có triệu chứng đột quỵ.
Ông nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, vì vậy nhiều người đã quá hoảng loạng. Nhiệm vụ của các y bác sĩ là cần xoa dịu
Hầu hết mọi người đã quá hoảng loạn vì đại dịch và những thông tin nhiễu trên truyền thông. Do vậy, nhiệm vụ của thầy thuốc lúc này là xoa dịu và giúp họ bình tâm trở lại. Đừng bắt họ phải chịu đựng thêm nữa các gói tầm soát hậu COVID-19.