Triều Tiên thử ICBM: 'Bài kiểm tra' đúng quy trình với Hàn Quốc, 'lời cảnh tỉnh' trong rối ren với Mỹ

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:10, 28/03/2022

Khi Hàn Quốc sắp có chính quyền mới, Mỹ đang bận bịu với một châu Âu nhiều rối ren, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Động cơ của hành động này không mấy bất ngờ.
Triều Tiên thử ICBM: 'Bài kiểm tra' đúng quy trình với Hàn Quốc, 'lời cảnh tỉnh' trong hỗn loạn với Mỹ
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vui mừng khi quân đội phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). (Nguồn: KCNA)

Sự trở lại trạng thái "bên bờ vực hạt nhân"

Tờ The Korea Times nhận định, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “bật đèn xanh” cho quân đội phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngày 24/3 vừa qua là nhằm thử phản ứng của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, đánh dấu sự trở lại của cái gọi là "bên bờ vực hạt nhân" trên Bán đảo Triều Tiên.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 25/3 xác nhận, vụ phóng ICBM Hwasong-17 kiểu mới của các lực lượng chiến lược thuộc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã được thực hiện vào ngày 24/3 (giờ địa phương), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Theo đó, tên lửa Hwasong-17, được phóng từ Sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, đã bay đến độ cao tối đa 6.248,5 km với quãng đường 1.090 km trong 4.052 giây trước khi bắn trúng mục tiêu trên biển.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên được KCNA dẫn lời cho biết, vũ khí mới "sẽ thực hiện một cách đáng tin cậy sứ mệnh và nhiệm vụ của nó như một biện pháp răn đe chiến tranh hạt nhân mạnh mẽ", đồng thời lưu ý rằng, Bình Nhưỡng nên chuẩn bị cho "một cuộc đối đầu lâu dài" với Mỹ.

Tên lửa Hwasong-17 được coi là loại ICBM mạnh nhất của Bình Nhưỡng cho đến thời điểm hiện tại.

Vụ thử cũng được xem là tín hiệu chấm dứt lệnh cấm thử hạt nhân và ICBM của Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa với việc quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều Tiên đã trở lại trạng thái như trước thời điểm diễn ra các cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Moon Jae-in và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2018.

Vụ phóng của Triều Tiên lần này cũng là một dấu hiệu cho thấy những nỗ lực hòa bình của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in trong suốt 5 năm qua đều trở nên vô ích.

"Kiểm tra" kỹ năng ngoại giao

Hành động "khiêu khích" mới nhất này của Bình Nhưỡng cũng nhằm kiểm tra kỹ năng ngoại giao của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol, người luôn nhấn mạnh khả năng phòng thủ cần được nâng cao của Hàn Quốc và liên minh Hàn Quốc-Mỹ mạnh mẽ hơn, sẽ là một biện pháp góp phần ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Cùng ngày, ông Yoon Suk-yeol đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng, Triều Tiên không thu được gì từ các hành động khiêu khích: "Đây là lần khiêu khích thứ 12 và tôi nghiêm khắc cảnh báo Triều Tiên rằng, họ không thể thu được gì từ các hành động khiêu khích. Hàn Quốc sẽ bảo vệ sự tự do và hòa bình bằng cách xây dựng một thế trận an ninh mạnh mẽ hơn".

Nghị sĩ Kim Eun-hye của Đảng Quyền lực quốc dân (PPP) đồng thời cũng là người phát ngôn của ông Yoon Suk-yeol cho rằng, vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên phát đi 2 thông điệp tới cả Mỹ và Hàn Quốc.

Ông Kim Eun-hye nói: "Tôi tin, Triều Tiên đã gửi một thông điệp tới Mỹ bởi Tổng thống Joe Biden đang chú tâm vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ngoài ra, Bình Nhưỡng từ lâu đã thực hiện các bước để có được lợi thế chiến lược trong bối cảnh Seoul chuyển giao quyền lực. Trong thời điểm Hàn Quốc đang chuẩn bị cho ra mắt chính phủ mới, Triều Tiên đã chứng tỏ rằng, họ có thể thực hiện một hành động khiêu khích táo bạo".

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Yoon Suk-yeol đã cam kết sẽ tăng cường hệ thống phòng không 3 trục gồm: hệ thống tấn công phủ đầu "Kill Chain", hệ thống phòng không-phòng thủ tên lửa và kế hoạch trừng phạt, trả đũa hàng loạt nhằm vào Triều Tiên.

Ngoài ra, ông Yoon Suk-yeol cũng hứa hẹn sẽ thiết lập thêm các khẩu đội phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc để bảo vệ đất nước khỏi tên lửa phóng góc cao và các loại pháo khác của Triều Tiên.

"Kill Chain" là một hệ thống tấn công phủ đầu của liên quân Hàn Quốc-Mỹ, xác định các địa điểm phóng tên lửa, cơ sở hạt nhân và năng lực sản xuất của Triều Tiên để có thể tiêu diệt chúng trước, nếu xung đột có nguy cơ bùng nổ.

"Cứng rắn" - lựa chọn duy nhất?

Trong bối cảnh này, các hành động khiêu khích khác từ Triều Tiên được cho là sẽ tiếp tục diễn ra khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên vào tháng 4 tới.

Tháng 4 cũng đánh dấu lễ kỷ niệm ngày sinh của người sáng lập đất nước Triều Tiên Kim Nhật Thành. Giới chuyên gia cho rằng, điều này buộc ông Yoon Suk-yeol không còn lựa chọn nào khác ngoài "lập trường diều hâu" đối với Bình Nhưỡng.

Giáo sư Park Won-gon nghiên cứu về Triều Tiên tại trường Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) bình luận: "Thành thật mà nói, không còn nhiều lựa chọn cho Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol, Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in và thậm chí là cả Tổng thống Mỹ Joe Biden ngoài việc chuyển sang lập trường diều hâu".

Theo Giáo sư Won-gon, từ quan điểm của ông Yoon Suk-yeol, việc tăng cường khả năng răn đe của Hàn Quốc sẽ là điểm đầu tiên nhưng cũng cần phải nghĩ thêm về một mô hình mới trong chính sách đối với Triều Tiên, chẳng hạn như cách Hàn Quốc có thể cùng tồn tại với một Triều Tiên được trang bị vũ khí hạt nhân.

Cùng với đó, người phát ngôn Kim Eun-hye cũng cho biết thêm rằng, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol sẽ giữ cam kết về việc bổ sung hệ thống THAAD mặc dù vẫn đang trong "quá trình xem xét". Để đối phó với các mối đe dọa đang từ Triều Tiên, ông Yoon Suk-yeol dự kiến sẽ cử Nghị sĩ Park Jin, người được đồn đoán sẽ là đặc phái viên đến Washington để thảo luận với những người đồng cấp trong tương lai gần.

Tháng 4 tới là thời điểm tập trung nhiều ngày kỷ niệm lớn của Triều Tiên, như kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, 90 năm ngày thành lập quân đội và 10 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Việc thị uy năng lực tên lửa, hạt nhân sẽ giúp nhà lãnh đạo Kim Jong-un gây dựng thành tựu trong mắt người dân nhân trong 10 năm cầm quyền, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Một điểm đáng chú ý khác là Triều Tiên chọn phóng ICBM vào đúng lúc tình hình quốc tế đang phức tạp, đặc biệt là Mỹ đang đổ dồn sự quan tâm vào cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, trong khi ở Hàn Quốc đang trong thời điểm chuyển giao chính quyền. Việc phóng tên lửa vào thời điểm này có thể nhằm mục đích dò xét mức độ đối phó của chính phủ mới để nắm quyền chủ đạo trong quan hệ liên Triều thời gian tới.

Theo xu hướng này, tờ The Korea Times dự báo, Triều Tiên sẽ tiếp tục có động thái khiêu khích cao độ trong thời gian tới. Gần đây, Bình Nhưỡng có dấu hiệu khôi phục bãi thử hạt nhân ở xã Punggye (huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong) nên không thể loại trừ khả năng nước này có thể nối lại thử nghiệm hạt nhân, đẩy căng thẳng lên cao ngay trước thời điểm Hàn Quốc chuẩn bị ra mắt chính quyền mới.

Phương Hà