Roberto Baggio bị hắt hủi và Fabio Capello chỉ ra sự thật của bóng đá Ý: ‘học theo người Đức, đừng bắt chước…Guardiola’

Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 12:30, 28/03/2022

Sau khi bị Bắc Macedonia đánh bại trên sân nhà và lần thứ hai liên tiếp vắng mặt tại World Cup, HLV lừng danh của bóng đá Ý là Fabio Capello đã chỉ ra sự lạc hậu của Ý khi mải miết học theo…Guardiola.

Nhà cầm quân lỗi lạc này cho rằng, bóng đá Ý đã sai lầm khi học theo…Guardiola suốt 15 năm qua. “Không còn những đường chuyền theo trục dọc hướng về phía trước hay sức mạnh thể chất nữa. Các cầu thủ cũng không còn duy trì thói quen thực hiện những pha tắc bóng. Nói cách khác, chúng ta cần học theo phong cách bóng đá của Jurgen Klopp”, Capello phát triển trên Sky Sport Italia.

fabio-capello_11zon.jpg
HLV Capello cho rằng Ý đã học theo Guardiola quá lâu.

Cựu HLV của AC Milan, Real Madrid và ĐT Ý chỉ ra thêm bóng đá Ý đã tụt hậu quá nhiều so với các nước châu Âu về nhiều mặt: “Chúng ta hiện đang không bắt kịp với lối chơi tốc độ và cường độ cao ở các giải đấu châu Âu. Nền bóng đá này đang thiếu nhiều tài năng trẻ, nhưng vấn đề vẫn là nền tảng đã sai từ ý tưởng. Nên nhớ, chúng ta là đất nước của những đường chuyền về vị trí thủ môn”.

03b56e860ec6f1112cab71172e2ebf1f.jpg
Chiellini và kết thúc buồn cuối sự nghiệp bằng trận thua Bắc Macedonia.

Theo ông: “đội bóng duy nhất ở Ý hiện tại làm điều đó là Atalanta và hãy nhìn vào các kết quả của họ mà xem. Vincenzo Italiano cũng tìm cách làm điều tương tự, Alexander Blessin ở Genoa thậm chí còn mang đến một lối chơi cuồng nhiệt hơn cả Klopp. Trường phái bóng đá Đức là mô hình mà chúng ta cần noi theo, chúng ta không có được nền tảng kỹ thuật tốt để học tập cách làm của người Tây Ban Nha”.

Sự xuống cấp của Serie A hơn chục năm qua là một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Ý bị ảnh hưởng nặng nề. Các ngôi sao hàng đầu thế giới không còn mặn mà đến đây thi đấu.

HLV từng đưa AC Milan va Real Madrid lên đỉnh cao châu Âu kết nhận xét đầy cay đắng: “Victor Osimhen, Romelu Lukaku và Tammy Abraham từng chỉ là những tiền đạo làng nhàng ở nước họ. Nhưng họ trở thành những nhà vô địch khi đến Ý thi đấu. Rõ ràng chuyện này dấy lên những câu hỏi. Thỉnh thoảng, tôi bất ngờ khi đọc được một vài thông số, kiểu như ‘Cầu thủ X thực hiện 45 đường chuyền…’ OK, nhưng trong đó có bao nhiêu đường chuyền tạo ra cơ hội? Bao nhiêu đường chuyền thì thật sự có giá trị?”

hch7bpn_italy-lose-afp_625x300_25_march_22_11zon.jpg
Bóng đá Ý thụt lùi và trở nên lạc hậu về mọi mặt so với các 'ông lớn' châu Âu.

Câu chuyện của Fabio Capello là một cái tát vào một nền bóng đá đã từng được xem là kiễu mẫu của cả châu Âu, thời Serie A thống trị và các ngôi sao hàng đầu thế giới đổ xô đến đây để thi thố và nhận về những khoản thù lao kếch xù. Nhưng hơn chục năm qua, bóng đá Ý lại thụt lùi mà câu chuyện huyền thoại Roberto Baggio bị hắt hủi phần nào lý giải cho sự quan liêu dẫn đến lụn bại này.

buffon-retire_11zon.jpg
Giọt nước mắt của Buffon năm 2018 sau trận thua Thụy Điển như 'biểu tượng' về sự đi xuống của Ý.

Kể từ sau chức vô địch World Cup 2006, Azzurri trên đà đi xuống. Hai kỳ World Cup liên tiếp 2010 và 2014 họ đều bị loại từ vòng bảng. Người Ý quyết tâm làm lại bộ mặt bóng đá và năm 2010, sau khi bị loại khỏi World Cup tại Nam Phi, Liên đoàn bóng đá nước này FIGC đã bổ nhiệm cựu tiền đạo lừng danh Roberto Baggio làm Chủ tịch Bộ phận chuyên môn của FIGC. Nhiệm vụ của “Tóc đuôi ngựa” là nghiên cứu và chỉ ra những hạn chế của bóng đá Ý, từ đó là xây dựng kế hoạch hồi phục.

Ngay lập tức ông bắt tay vào nghiên cứu, phát hiện và giải quyết những vấn đề tồn đọng của bóng đá Italy. Một năm sau, Roberto Baggio đã gửi đến FIGC một báo cáo dài đến…900 trang giấy vạch ra những giải pháp cho các vấn đề khác nhau.

4644_11zon.jpg
Lần thứ 2 liên tiếp Ý không thể góp mặt tại World Cup.

Thế nhưng bản báo cáo của Baggio hoàn toàn bị FIGC phớt lờ, thậm chí là không có một phản hồi nào dù chỉ là mức tối thiểu. Điều này khiến Baggio chán nản, kết quả là tháng 1/2013 ông từ chức với tuyên bố đầy cay đắng: "Tôi không được tạo điều kiện hoàn thành vai trò của mình, vì thế tôi không muốn tiếp tục nữa. Bản báo cáo dày 900 trang của tôi được trình vào tháng 11/2011 bị ngó lơ và không được phản hồi. Thế nên tôi đã có kết luận của mình".

Chủ tịch FIGC khi đó là Giancarlo Abete thậm chí còn chẳng đoái hoài gì đến phản ứng của Roberto Baggio: “Ông ấy là một người có phẩm chất tuyệt vời, với tư cách là một người đàn ông và một nhân vật đặc biệt. Nhưng anh ấy không có phẩm chất và không thể hiện vai trò của một nhà quản lý”. Tuyên bố này bị chỉ trích là vô trách nhiệm.

230635795-ac6e54e3-8d6c-4594-b243-c9931f959f86_11zon.jpg
Roberto Baggio từng kỳ vọng những phát hiện của mình có thể mở ra chiến lược phục hồi nhưng cuối cùng người thất bại lại là ông.

Không rõ liệu báo cáo của Baggio có tạo ra sự khác biệt đáng kể hay không nếu nó thực sự được chú ý và quan tâm, nhưng rõ ràng nó phần nào cho thấy việc thay đổi ở bóng đá Italy là không hề đơn giản dù ai cũng biết là họ cần phải làm thế. Bản thân chức vô địch Euro 2020 không thay đổi thực tế đó.

Bình An