Tốc độ lây lan Covid-19 trên thế giới lần đầu tiên giảm kể từ đầu tháng 3
Đối ngoại - Ngày đăng : 10:11, 28/03/2022
Theo tính toán của TASS, đặc biệt, tốc độ lây lan của dịch bệnh bắt đầu giảm mạnh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. So với đầu tháng 3, tỷ lệ mắc bệnh ở Nhật Bản đã giảm 1,5 lần, ở Việt Nam giảm một nửa.
Đồng thời, tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu trở lại ở các nước châu Âu - ở Pháp khoảng 140 nghìn trường hợp mắc mới được ghi nhận mỗi ngày, ở Anh khoảng 95 nghìn, ở Italy hơn 75 nghìn.
Tốc độ lây lan Covid-19 trên thế giới lần đầu tiên giảm kể từ đầu tháng 3. (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, hầu hết các trường hợp lây nhiễm vẫn được phát hiện ở Hàn Quốc trung bình khoảng 350 nghìn trường hợp được ghi nhận mỗi ngày ở nước này. Ở Đức, hơn 300.000 người mắc mới Covid-19 mỗi ngày.
Mặc dù tỷ lệ mắc mới đã giảm nhưng tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới vẫn tăng gần 1/4 trong một tuần. Theo đó, có khoảng 43,3 nghìn người mắc Covid-19 đã tử vong trên thế giới trong 7 ngày qua.
Tỷ lệ tử vong cao nhất vẫn là ở Mỹ, nơi có khoảng 750 trường hợp tử vong hàng ngày (giảm 20% so với tuần trước), vị trí thứ 2 là Hàn Quốc có khoảng 420 trường hợp tử vong mỗi ngày, Nga ở vị trí thứ 3 (khoảng 408 người tử vong mỗi ngày). Theo tính toán, tỷ lệ tử vong cũng tăng mạnh ở các quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh đang gia tăng.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia nhất trí rằng giải pháp lý tưởng nhất là phát huy những kinh nghiệm thu được trong ứng phó với đại dịch Covid-19 mà không áp đặt quy định bắt buộc, chẳng hạn như duy trì việc đeo khẩu trang tại một số địa điểm.
Mục tiêu của biện pháp này là mô phỏng các cộng đồng đã quen sử dụng khẩu trang ngay cả trước khi đại dịch bùng phát để chống ô nhiễm môi trường và ngăn ngừa bệnh hô hấp.
Một biện pháp khác cần duy trì là rửa tay, một phương pháp đã chứng minh hiệu quả trên toàn thế giới trong 27 tháng qua.
Các chuyên gia cũng nhận định virus sẽ không biến mất mà trở thành bệnh dịch không thường xuyên hoặc theo mùa. Do đó, tiêm chủng sẽ là chìa khóa để sống chung với Covid-19 trong tương lai, trong đó các loại vắc xin mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhờ tiến bộ khoa học sẽ là vũ khí hữu hiệu nhất.
Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Phi không lơ là cảnh giác với dịch bệnh Covid-19 sau khi nhiều nước tại đây đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sĩ Matshidiso Moeti, nêu rõ đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc và các nước chỉ nên xem xét giảm bớt các biện pháp phòng ngừa một cách thận trọng. Việc dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng không có nghĩa là không cần cảnh giác với dịch bệnh.
Tiến sĩ Moeti cũng bày tỏ lo ngại về việc một nửa số nước châu Phi đã ngừng truy vết các trường hợp nhiễm bệnh và hối thúc các nước trong khu vực đẩy mạnh tiêm chủng, dù số ca mắc mới đã giảm đáng kể từ mức đỉnh dịch hồi tháng 1 vừa qua.
Thanh Bình (lược dịch)