Bé trai phải cắt bỏ tinh hoàn bị xoắn, nhập viện muộn vì sợ COVID-19
Tin Y tế - Ngày đăng : 13:27, 27/03/2022
Vùng kín của bé H. tổn thương quá nặng, bệnh viện địa phương chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM điều trị.
Qua thăm khám, làm chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ nhận định bé H. bị xoắn tinh hoàn, tình trạng bệnh rất nặng. Mặc dù ê-kíp bác sĩ khẩn trương phẫu thuật xử lý cho bé nhưng đã quá trễ, bắt buộc phải cắt bỏ cả hai bên tinh hoàn.
Nghe bác sĩ thông báo, chị Lành rơi vào tâm trạng hoang mang: “Tôi không nghĩ con trai mình bị bệnh nặng như vậy. Cứ tưởng cháu bị côn trùng cắn gây nhiễm trùng, sau này tôi biết phải nói sao cho con hiểu”.
Tương tự trường hợp bé H., bé P.V.K. (5 tuổi, ở Bình Dương) được gia đình đưa đến bệnh viện sau 2 ngày quấy khóc vì đau, bầm vùng bìu. Nghe bác sĩ thông báo con trai phải làm phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, chị Trần Hồng Kim không nói nên lời.
Theo chị Kim, lúc con trai vừa than đau, chị kiểm tra và phát hiện ngay ở bìu trái của con có dấu hiệu sưng đỏ. Lo sợ đi bệnh viện sẽ dễ lây nhiễm COVID-19, chị đưa bé K. đến khám tại cơ sở y tế địa phương.
Lúc này, bé K. được bác sĩ chẩn đoán viêm tinh hoàn và cho thuốc về uống. Qua hôm sau, thấy con vẫn than đau, chị Kim liền đưa bé đi TPHCM thăm khám. Tuy nhiên, cả hai tinh hoàn của con trai chị vẫn không kịp cứu.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Bình An, khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết cả hai bé đều bị xoắn tinh hoàn nặng, dù ê-kíp bác sĩ đã mổ khẩn với hy vọng “còn nước còn tát” nhưng do các bé bị xoắn tinh hoàn đã nhiều ngày, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn gây hoại tử, buộc phải cắt bỏ để tránh các tình trạng bệnh xấu hơn.
Xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng bìu cấp, các cấu trúc bên trong thừng tinh, đưa đến tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn. Đây là một cấp cứu ngoại khoa, chậm trễ hay sai lầm trong chẩn đoán có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn.
Từ lúc khởi phát xoắn tinh hoàn, trong vòng 6 tiếng đầu, nếu được phẫu thuật xử lý, người bệnh có thể hồi phục 90-100%, nhưng khi quá 12 đến 24 tiếng đồng hồ, cơ hội hồi phục gần như không còn.
Bác sĩ Bình An chia sẻ: “Nếu không được xử trí kịp thời, trẻ có thể không giữ được tinh hoàn mà còn ảnh hưởng tới chức năng sinh sản sau này của trẻ. Đặc biệt khi trưởng thành, trẻ mất đi tinh hoàn hay chỉ còn một tinh hoàn cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý trẻ”.
Chính vì vậy, khi cha mẹ thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như sưng, đau vùng bìu và tinh hoàn, cha mẹ đừng chần chừ, lo ngại dịch bệnh mà cần đưa con đến các cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa càng sớm càng tốt để trẻ được siêu âm, chẩn đoán và xử lý kịp thời, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.