Nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 18:08, 26/03/2022
Theo số liệu mới nhất về ung thư toàn cầu do Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới công bố vào năm 2020, ung thư vú đã thay thế ung thư phổi để trở thành loại ung thư phổ biến nhất thế giới.
Một nghiên cứu đến từ các chuyên gia Đại học Y khoa Columbia (CUM) đã tiến hành phân tích về mối quan hệ giữa sữa mẹ đối với sự hình thành khối u vú ở 4.011 phụ nữ mắc ung thư vú và 2.997 người khỏe mạnh. Kết quả là việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú ở các bà mẹ.
Nghiên cứu này dựa trên 2 yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng bệnh là thụ thể estrogen và progesterone (ER/PR). Cụ thể, những phụ nữ không nuôi con bằng sữa mẹ có rủi ro mắc bệnh ung thư vú cao gấp 1,5 lần so với nhóm nuôi con bằng sữa mẹ.
Lý do liên quan đến sự trở lại của thời kỳ kinh nguyệt ở những phụ nữ cho con bú chậm hơn so với những phụ nữ không cho con bú. Đồng nghĩa với việc những phụ nữ cho con bú ít chịu tác động của nội tiết tố estrogen. Bên cạnh đó, quá trình nuôi con bằng sữa mẹ còn giúp tế bào tuyến vú có khả năng chống lại những đột biến dẫn đến ung thư.
Ngoài ra, phụ nữ cho con bú thường không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học, sinh hoạt lành mạnh nên ít nhiều góp phần bảo vệ sức khỏe một cách toàn diện hơn.
Một phát hiện khác cũng cho thấy, sự thay đổi cácprotein trong sữa mẹ có thể giúp phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sơ khai. Thậm chí có thể dự đoán xem người phụ nữ đó có mắc các bệnh hiểm nghèo khác hay không. Mặc dù phải nhờ cậy đến những phương pháp y học tân tiến, nhưng việc nhận biết ung thư vú vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do những dấu hiệu thời kỳ đầu không rõ ràng. Do đó, phát hiện trên được đánh giá là bước đột phá trong việc điều trị ung thư ở nữ giới.
Để có được công bố này, các nhà khoa học đã thực hiện so sánh mẫu sữa mẹ giữa phụ nữ không mắc ung thư vú và đối tượng có khả năng mắc ung thư vú. Kết quả cho thấy, có một sự thay đổi nhất định trong biểu hiện các protein ở dạng tế bào biểu bì bị tróc ra. Đây được xem là một trong những phương pháp kiểm tra, chẩn đoán ung thư vú không xâm lấn. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể áp dụng để kiểm tra tình trạng, sức khỏe, các dấu hiệu bệnh tật của người mẹ trong thời gian sinh nở, thậm chí nuôi con. Từ đó, tạo ra hy vọng về những biện pháp can thiệp, chữa trị ung thư vú mới trong tương lai.