Vụ tấn công đẩy giá dầu lên sát 120 USD/thùng
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 12:52, 26/03/2022
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu thế giới tăng nhẹ sau khi một cuộc tấn công tên lửa nhắm vào kho dự trữ của Saudi Aramco thúc đẩy nhu cầu tích trữ.
Cụ thể, giá dầu WTI đã tăng 1,39% lên 113,9 USD/thùng. Như vậy, giá dầu WTI đã tăng hơn 10% so với tuần trước, 21,8% so với tháng trước và 86,8% so với năm ngoái.Tương tự, dù tăng nhẹ 0,48% lên 119,6 USD/thùng, giá dầu Brent cũng đã tăng 10,8% so với tuần trước, 22,08% so với tháng trước và hơn 85% so với năm ngoái.
Hôm 25/3, người phát ngôn lực lượng Houthi tại Yemen lên tiếng chịu trách nhiệm cho vụ tấn công vào các cơ sở của tập đoàn Aramco ở thành phố cảng Jeddah cũng như các nhà máy lọc dầu Ras Tanura và Rabigh.
Theo đài truyền hình nhà nước Al Arabiya, một liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu cho biết ngọn lửa đã được kiểm soát trong hai bồn chứa trong cơ sở của Aramco và không có thương vong.
“Trong khi thị trường đang tìm cách tránh xa nguồn cung dầu của Nga, chúng ta còn đối mặt các cuộc tấn công của Houthi có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của Saudi Arabia”, Andrew Lipow, lãnh đạo của Lipow Oil Associates, nhận định.
Cuộc tấn công hôm 25/3 diễn ra chỉ 5 ngày sau khi Houthi tấn công các cơ sở khử muối nước và năng lượng của Saudi Arabia, khiến sản lượng tại một nhà máy lọc dầu gặp gián đoạn. Một nhà máy khác của Aramco cũng là mục tiêu bị công kích ở thành phố Biển Đỏ thuộc Jeddah.
Trước các cuộc tấn công, Saudi Arabia tuyên bố không chịu trách nhiệm về bất cứ sự thiếu hụt nguồn cung dầu nào trên toàn cầu.
Hiện dự trữ dầu toàn cầu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Do vậy, giới phân tích cho biết thị trường rất dễ chịu tổn thương trước bất kỳ cú sốc nguồn cung nào.
Mỹ đang xem xét giải phóng kho dầu dự trữ chiến lược sau khi giá năng lượng thế giới tăng cao. Dù chưa có số lượng cụ thể, Reuters cho biết đợt xả kho lần này có thể lớn hơn con số 30 triệu thùng từ đầu tháng.
Tuần trước, giá dầu thế giới giảm mạnh sau khi những hi vọng về một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine được nhen nhóm. Bên cạnh đó, việc kho dầu thô CPC của Kazakhstan hoạt động trở lại và sự chần chừ áp đặt lệnh cấm vận với năng lượng Nga của EU cũng là yếu tố hạ nhiệt giá dầu.
Mỹ và Anh, vốn là hai nước ít phụ thuộc vào dầu thô của Nga hơn EU, đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu trước đó. Mới đây, Mỹ cho biết sẽ nỗ lực đảm bảo lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, dự kiến ít nhất 15 tỷ m3, cho EU trong năm 2022.
(Nguồn: Zing News)