Tiến nhanh trong công nghệ tên lửa, Triều Tiên gửi thông điệp gì tới Hàn Quốc và Mỹ?
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:40, 26/03/2022
Tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên rời bệ phóng ngày 24/3. (Nguồn: KCNA) |
Động thái làm gia tăng căng thẳng
Truyền thông phương Tây dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng đây có thể loại ICBM lớn nhất từ trước đến nay mà Triều Tiên phát triển được và động thái này cho thấy Triều Tiên đã bất ngờ quay trở lại hoạt động thử nghiệm tên lửa tầm xa, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Theo KCNA, tên lửa Hwasong-17 nói trên đã bay được quãng đường dài 1.090 km trong 4.052 giây trước khi bắn trúng mục tiêu trên biển.
Hãng thông tấn này dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố: "Loại vũ khí chiến lược mới này của Triều Tiên sẽ khiến cả thế giới một lần nữa phải thừa nhận rõ ràng sức mạnh của các lực lượng vũ trang chiến lược của chúng ta".
Theo ghi nhận của hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, vụ thử mới nhất này đánh dấu vụ thử nghiệm ICBM lần đầu tiên của Triều Tiên kể từ năm 2017 trong một động thái làm gia tăng mạnh mẽ căng thẳng ở khu vực.
Đây là hành động phô diễn sức mạnh quân sự lần thứ 12 kể từ đầu năm 2022 đến nay, chấm dứt thời kỳ tạm ngừng thử nghiệm tên lửa hạt nhân và tên lửa tầm xa do Bình Nhưỡng tự đưa ra hồi tháng 4/2018 trước khi bước vào cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hồi tháng 6 cùng năm đó.
Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Moon Jae-in nói rằng vụ thử mới này đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Bán đảo Triều Tiên, khu vực và cộng đồng quốc tế, đồng thời là "sự vi phạm rõ ràng" các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Với giọng điệu cứng rắn hơn, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định: "Vụ phóng này là sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của HĐBA LHQ". Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố: "Đây là một hành động không thể tha thứ".
Công nghệ ICBM của Bình Nhưỡng
Theo hãng tin AFP, Triều Tiên đã tiến hành ba vụ phóng thử nghiệm ICBM loại Hwasong-15 mà vụ phóng cuối cùng diễn ra hồi tháng 11/2017.
Theo giới chuyên gia quân sự, tên lửa Hwasong-15 đã đủ mạnh để vươn tới lục địa của Mỹ. Theo Seoul và Washington, Bình Nhưỡng từ lâu đã mong muốn có được một ICBM có khả năng mang theo nhiều đầu đạn và nước này thực ra đã hé lộ loại tên lửa Hwasong-17 lần đầu tiên vào tháng 10/2020.
Liên quan vấn đề này, giới phân tích cho rằng ICBM Hwasong-17 mà Triều Tiên phóng hôm 24/3 là mô hình tên lửa đã được công bố tại lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 10/2020 nhưng chưa tiến hành thử nghiệm.
Tiến sĩ Jeong Seong-jang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên, Viện nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) cho biết ước tính tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã bay khoảng 71 phút và rơi xuống Biển Nhật Bản, cách bán đảo Oshima, Hokkaido, 150 km về phía Tây. Hwasong-17 mà Triều Tiên phóng lần này đã bay xa hơn 120 km so với Hwasong-15 được phóng lần thứ ba hồi năm 2017.
Sau vụ phóng ICBM lần thứ ba hồi năm 2017, Triều Tiên đã đưa ra "Tuyên bố của chính phủ", khẳng định Hwasong-15 là "tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân siêu lớn và nặng" có khả năng tấn công toàn bộ đất liền của Mỹ.
Nhiều chuyên gia nước ngoài khi xem hình ảnh Hwasong-15 của Triều Tiên cũng đánh giá tên lửa này thuộc loại ICBM do Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô sở hữu, đủ lớn để mang vũ khí hạt nhân.
Tại Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra đầu năm 2021, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trình bày "mục tiêu nâng cao khả năng tấn công phủ đầu và trả đũa hạt nhân bằng cách nâng cao hơn nữa độ chính xác của việc đánh và tiêu diệt các mục tiêu chiến lược tùy ý trong phạm vi 15.000 km".
Xét độ cao và quãng đường bay của ICBM do Triều Tiên phóng ngày 24/3, ước tính nếu phóng theo góc bình thường, nó có thể bay khoảng 15.000 km với trọng lượng đầu đạn dưới 1 tấn.
Loại ICBM Minuteman-III (LGM-30G) mà Mỹ phóng thử nghiệm hồi tháng 10/2019 có tầm bắn 13.000 km. ICBM loại DF-41 của Trung Quốc có tầm bắn từ 14.000 km đến 15.000 km.
Do đó, giới chuyên môn cho rằng mặc dù Triều Tiên chưa sở hữu công nghệ tái xâm nhập bầu khí quyển, song vụ thử tên lửa ngày 24/3 cho thấy công nghệ ICBM của Triều Tiên đang tiến bộ với tốc độ rất nhanh.
AFP ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay, Triều Tiên đã thử nghiệm hàng loạt hệ thống tên lửa đạn đạo siêu thanh và tên lửa đạn đạo tầm trung, bao gồm hai vụ phóng thử nghiệm gần đây mà Bình Nhưỡng tuyên bố là "vệ tinh do thám".
Tuy nhiên, Washington và Seoul nhận định đây là những vụ thử nghiệm các thành phần của tên lửa Hwasong-17, đồng thời cảnh báo Triều Tiên đang chuẩn bị phóng thử nghiệm ICBM ở cấp độ toàn diện và đầy đủ. Vụ phóng thử nghiệm hồi tuần trước, nhiều khả năng là loại Hwasong-17, đã thất bại khi tên lửa phát nổ giữa lúc bay.
Hãng tin Reuters dẫn lại nguồn KCNA miêu tả cuộc thử nghiệm thành công ngày 24/3 là "màn trình diễn đầy ấn tượng sức mạnh quân sự to lớn", trong khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gọi đây là một thắng lợi "phi thường" và "vô giá" của người dân Triều Tiên.