7 thực phẩm dễ gây hôi miệng nhất, bạn nên vệ sinh miệng cẩn thận sau khi ăn
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 15:31, 25/03/2022
Hôi miệng thường xuất phát từ việc vệ sinh răng miệng không sạch cũng như một số bệnh lý khác như viêm amidan, xơ gan, áp xe răng... Tuy nhiên, một số loại thực phẩm cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hôi miệng.
Theo nha sĩ Payal Bhalla, công tác tại Phòng khám Nha khoa Quest Dental (Vương Quốc Anh), 7 loại thực phẩm mà chúng ta đang tiêu thụ hằng ngày sau đây dễ gây hôi miệng.
7 loại thực phẩm dễ gây hôi miệng nhất
1. Cà phê
Nha sĩ Payal nói: “Thật là ái ngại với những người yêu thích cà phê. Đồ uống có chứa caffein này có thể khiến một số người cảm thấy hơi thở có mùi hôi.
Điều này là do cà phê có chứa sulfuric và các hợp chất có tính axit - chúng có thể để lại mùi hôi trong hơi thở, thậm chí trong một thời gian dài sau khi uống”.
“Hơn nữa, cà phê cũng có thể khiến bạn bị khô miệng, làm tăng nguy cơ hôi miệng kéo dài”, Bác sĩ Payal cho biết thêm, cà phê làm chậm quá trình sản xuất nước bọt, trong khi đó, nước bọt là thành phần cần thiết để làm sạch miệng một cách tự nhiên và loại bỏ một số vi khuẩn trong miệng.
Ngừng uống cà phê dường như là một điều khó khăn, vì vậy bạn nên uống nhiều nước hơn khi uống cà phê để tránh tình trạng khô miệng, bác sĩ Payal nói.
2. Hành
Hành là một nguyên liệu phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày.
“Tuy nhiên, hành không quá tốt cho hơi thở", Payal cảnh báo, hành có chứa hợp chất sulfur (lưu huỳnh) - nguyên nhân gây hôi miệng, khi tiêu thụ có thể đọng lại trong miệng, trên lưỡi và kẽ răng.
Cô ấy khuyên rằng, nếu hơi thở có mùi, hãy đánh răng sau khi tiêu thụ bất kỳ món ăn nào có hành để loại bỏ sulfur còn sót trong miệng.
3. Sản phẩm từ sữa
Phô mai, kem hoặc sữa trong trà có thể là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi.
Bác sĩ Payal nói: “Thực phẩm từ sữa có thể khiến mọi người ngạc nhiên khi chúng thực sự có thể gây hôi miệng".
Điều này là do vi khuẩn tự nhiên sống trên bề mặt lưỡi phản ứng với axit amino trong sữa và phô mai sẽ tạo ra sulfur. Do đó, sau khi ăn sản phẩm từ sữa, miệng thường có mùi hôi và khó chịu.
4. Rượu
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi tất cả chúng ta đều ngửi thấy mùi trong hơi thở sau khi uống rượu. Bác sĩ Payal nói: “Hãy để ý, khi thức dậy trong tình trạng nôn nao, miệng của bạn có vị lạ và mùi hôi? Đó là do cơ thể và miệng bị mất nước do uống rượu, tức là việc sản xuất nước bọt ít hơn.
Rượu có thể dẫn đến khô miệng và khi miệng bị khô đáng kể có thể thúc đẩy vi khuẩn xấu phát triển, từ đó làm tăng nguy cơ hôi miệng”.
Khi uống rượu, bạn có thể giảm tác động của rượu đến hơi thở bằng cách uống nước giữa các ly rượu.
5. Tỏi
Tỏi có mùi đặc biệt nồng. Khi ăn tỏi, chúng thậm chí có thể “đọng lại trong miệng một vài ngày” và chỉ cho đến khi chúng ta chải, xỉa, cạo hoặc súc miệng sạch sẽ thì mới hết mùi trong hơi thở.
Payal cho biết: “Tỏi cùng họ với hành, đều chứa các hợp chất lưu huỳnh tạo nên hương vị mạnh, khi ăn nó có thể đọng lại trong miệng và kẽ răng”.
6. Cà ri
Hành, tỏi và gia vị khác là hỗn hợp hoàn hảo khiến hơi thở có mùi.
BS Payal cho biết: “Cà ri có thể gây hôi miệng do số lượng thành phần tạo mùi mạnh và được chế biến với công thức đặc biệt. Những thành phần này thường có thể đọng lại trong miệng nhiều giờ sau khi tiêu thụ”.
7. Cá
BS Payal nói: “Nếu ăn loại cá có mùi tanh khá nặng như cá hồi và cá ngừ thì rất có thể hơi thở sẽ có mùi sau đó”.
Cá chứa một hợp chất gọi là trimethylamines, có thể đọng lại trong miệng và tạo mùi tanh.
Một số người mắc chứng trimethylaminuria (TMAU), khiến cơ thể họ có mùi cá gây khó chịu. Đôi khi tình trạng này không thể chữa khỏi là do gen bị lỗi người bệnh được di truyền từ cha mẹ của họ.
Cách để có một hơi thở thơm tho
BS Payal đưa ra một số mẹo để giữ cho hơi thở thơm tho mọi lúc.
Nếu bạn thường xuyên thấy hơi thở có mùi, hãy điều chỉnh chế độ ăn uống bằng cách tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm được đề cập ở trên.
Bên cạnh đó, hãy thực hiện các việc sau:
1. Duy trì thói quen uống nước đều đặn
BS Payal cho biết: “Duy trì thói quen uống nước vào buổi sáng và buổi tối sẽ giúp giảm bớt triệu chứng hôi miệng.
Mặc dù uống nước không hoàn toàn ngăn chặn được chứng hôi miệng, và bạn có thể phải điều chỉnh chế độ ăn uống, nhưng điều này sẽ có tác dụng giữ cho miệng không bị khô".
Bàn chải đánh răng cũng là điều quan trọng. Nên sử dụng bàn chải có chất lượng tốt để làm sạch răng kỹ lưỡng, tiếp cận tất cả những ngóc ngách mà thức ăn thường bị mắc kẹt.
Thêm vào đó, bạn nên dùng chỉ nha khoa cùng với nước súc miệng để loại bỏ các mảnh thức ăn còn sót lại.
“Nước súc miệng giúp giữ cho lưỡi sạch sẽ và thơm mát, vì thường thì hơi thở có mùi là do lưỡi bẩn. Bạn có thể thử các dụng cụ để làm sạch lưỡi chẳng hạn như dụng cụ cạo lưỡi hoặc bàn chải vệ sinh lưỡi”, BS Payal nói.
2. Giữ đủ nước
Khi lượng nước bọt tiết ra ít (khô miệng) sẽ có thể gây ra hôi miệng.
BS Payal nói: “Nước bọt là cần thiết để làm sạch miệng một cách tự nhiên và loại bỏ vi khuẩn cùng các mảnh vụn thức ăn, vì vậy khi nước bọt không sản xuất đủ, miệng có thể bị khô và khiến hơi thở có mùi hôi.
Hãy cố gắng uống 8 cốc nước mỗi ngày, đặc biệt là giữa các bữa ăn và giờ nghỉ giải lao”.
3. Đi khám răng
BS Payal khuyến cáo, nếu đã thực hiện những điều trên mà hơi thở vẫn có mùi hôi, bạn nên đến các phòng khám nha khoa để kiểm tra vấn đề răng miệng của mình.
“Thông thường, hơi thở có mùi có thể là dấu hiệu của sâu răng, vì vậy tốt nhất bạn nên đến phòng khám nha thường xuyên”, nha sĩ sẽ chẩn đoán chính xác bệnh và giúp bạn khắc phục tình trạng này, BS Payal nói.
Nhật Lệ(Nguồn: thesun.co.uk)