Bác sĩ nghỉ việc, bệnh viện công đánh mất nguồn nhân lực "vàng"
Tin Y tế - Ngày đăng : 11:20, 25/03/2022
Theo lãnh đạo một bệnh viện công ở Đồng Nai, đây là sự bất công giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ…
Bệnh viện công mất nguồn nhân lực “vàng”
Trước tình trạng bác sĩ nghỉ việc, các bệnh viện đã tuyển mới được các bác sĩ và nhân viên y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, thực tế bệnh viện cũng đã mất đi nguồn nhân lực có chuyên môn, công tác nhiều năm, chất lượng khám chữa bệnh không thể không bị ảnh hưởng.
Một trưởng khoa hồi sức tích cực bệnh viện công ở Đồng Nai chia sẻ rằng: “Khi có một bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc, tôi luôn làm công tác tư tưởng, tư vấn nhưng do áp lực, cuối cùng bác sĩ vẫn nghỉ việc. Để có được một bác sĩ ra trường trực khoa thông thường đã khó. Khoa hồi sức cần một bác sĩ có kinh nghiệm, bản lĩnh và kiến thức lẫn tay nghề thủ thuật lại càng khó hơn, vì trụ được ở khoa hồi sức thì một bác sĩ phải “lăn lộn” ở bệnh viện ít nhất là 2 năm”.
Không chỉ bác sĩ, hiện nay các điều dưỡng nghỉ việc nhiều và ngày càng khó tuyển dụng, đào tạo được những điều dưỡng giỏi nghề. Ngoài bác sĩ, việc tuyển điều dưỡng cũng đang trở nên khó khăn hơn với các bệnh viện. Liên hệ với các trường y cũng không tuyển được nguồn điều dưỡng, hộ sinh hiện nay rất ít và rất thiếu.
Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà – Giám đốc Bệnh viện nhi Đồng Nai cho rằng: Điều dưỡng, đặc biệt là hồi sức sơ sinh, để đạo tào được, thực hiện thủ thuật nhỏ trên sơ sinh quý giá lắm!”
Cũng theo bác sĩ Hà, đối với bác sĩ mới ra trường, bệnh viện còn phải đào tạo chứ chưa được thụ hưởng gì, chưa kể bác sĩ mới ra trường còn chưa có chứng chỉ hành nghề, tham gia học việc chứ bệnh viện cũng chưa có thu nhập từ các bác sĩ đó.
Bệnh viện tìm giải pháp giữ chân bác sĩ
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là bệnh viện công, hạng 1 của tỉnh Đồng Nai, với hơn 1.200 cán bộ viên chức người lao động. Mặc dù hiện nay bệnh viện đã phát triển các kỹ thuật chuyên sâu trong công tác khám chữa bệnh nhưng trong năm 2021, tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã có khoảng 150 người gồm cả bác sĩ và nhân viên y tế nghỉ việc. Trong đó, bác sĩ nghỉ việc khoảng 55 người.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, bác sĩ Phạm Văn Dũng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết: Nguyên nhân lương thấp và điều kiện làm việc cực hơn rất nhiều khiến các bác sĩ nghỉ việc. Đặc biệt là trong điều kiện thời gian vừa qua, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế phải tham gia chống dịch vất vả và còn ảnh hưởng tới thu nhập.
Cũng theo bác sĩ Dũng: Ở bệnh viện tư nhân không phải tham gia chống dịch cực khổ như Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất khi các bác sĩ và nhân viên y tế phải tham gia hồi sức COVID-19, tham gia bệnh viện dã chiến và tham gia đi tăng cường các địa phương, nhưng lại chưa nhận được chế độ đãi ngộ thích đáng. Trong khi đó, ở các bệnh viện tư nhân, công việc nhàn hơn, là điều kiện thuận lợi để lôi kéo bác sĩ.
“Đây là một sự bất công, để công tư bằng nhau mới đảm bảo không chảy máu chất xám, dịch chuyển chất xám, chúng tôi đang đấu tranh để công bằng giữa công và tư” - bác sĩ Dũng khẳng định.
Theo bác sĩ Dũng, cần có một giải pháp, có cơ chế chính sách thoả đáng thì những bác sĩ tâm huyết với bệnh viện sẽ không rời đi. Tuy nhiên, giải pháp trước mắt, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng đã tìm giải pháp để tăng thu nhập, giữ chân bác sĩ bằng việc đưa vào hoạt động Khoa khám bệnh và điều trị theo yêu cầu có thể phục vụ từ 800 – 1.000 lượt bệnh nhân ngoại trú/ngày và 100 bệnh nhân nội trú với giường bệnh được thiết kế theo mô hình bệnh viện - khách sạn.
Khoa khám chữa bệnh và điều trị theo yêu cầu với quy mô 6 tầng, diện tích sử dụng 2.195 m2 với tổng mức đầu tư là 38 tỉ đồng từ nguồn vay vốn của cán bộ công nhân viên chức người lao động bệnh viện.
Theo bác sĩ Dũng, việc tạo điều kiện, mở ra “sân” này, kỳ vọng bác sĩ sẽ không đi nữa mà làm việc gắn bó với bệnh viện, và đây là cơ hội giữ chân các bác sĩ.
"Việc đưa vào hoạt động Khoa khám bệnh và điều trị theo yêu cầu sẽ góp phần giúp người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao, giảm chi phí khám chữa bệnh, chi phí đi lại lên tuyến trên mà vẫn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời, giúp bệnh viện có thêm nguồn kinh phí để tăng thu nhập chính đáng cho các y bác sĩ, viên chức người lao động, góp phần giữ chân và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao…"
Còn theo bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà – Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Nai: Giải pháp trước mắt là động viên người ở lại cố gắng bám trụ qua thời điểm khó khăn hiện nay. Đồng thời, chúng tôi sẽ tuyển mới, đào tạo các bác sĩ kế cận. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi cũng kiến nghị cần tăng trợ cấp ưu đãi ngành, ưu đãi phòng chống dịch COVID-19 cho các bác sĩ để tăng nguồn thu, giữ chân bác sĩ và nhân viên y tế.
Sản phẩm của nhân viên y tế chính là sức khỏe của người dân. Do đó, chỉ khi họ sống được bằng nghề, không phải bươn chải, lo toan cuộc sống thì mới có thể toàn tâm cho công việc. Hơn bao giờ hết, họ rất cần sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và sự thấu hiểu của bệnh nhân hay người thân bệnh nhân.