Vì sao Trung Quốc giảm tiêu thụ thịt?

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:15, 25/03/2022

Trung Quốc đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho thịt và thị trường các sản phẩm chay.

Al Jazeera dẫn một báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc, nước này cho rằng việc chuyển đổi sang protein thực vật sẽ giúp giải quyết các vấn đề môi trường.

Vào tháng 1, Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc lần đầu tiên đưa protein thực vật vào lộ trình an ninh lương thực. Theo đó, giảm sản xuất thịt sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải độc hại vào bầu khí quyển và trở nên trung hòa carbon vào năm 2060.

Vì sao Trung Quốc giảm tiêu thụ thịt?
Trung Quốc đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho thịt và thị trường các sản phẩm chay. (Ảnh: Sovsibir.ru)

Amos Tai, chuyên gia khoa học môi trường tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Trong 30 năm, mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần, gây ra gần 20% ô nhiễm không khí của đất nước”.

Theo Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lớn nhất thế giới. Dự kiến ​​đến hết năm 2022, người dân Trung Quốc sẽ ăn hơn 53 triệu tấn thịt lợn, cũng như 10 triệu tấn thịt bò và thịt bê. Tuy nhiên, nhu cầu về các sản phẩm chay cũng tiếp tục tăng.

Theo Dupon, nhu cầu đối với các sản phẩm không phải thịt sẽ tăng 200%. Các nhà phân tích cho rằng, sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm chay là do sự quan tâm đến lối sống lành mạnh. Theo báo cáo của Euromonitor International, thị trường thảo dược Trung Quốc sẽ đạt giá trị gần 12 tỉ USD vào năm 2023, tăng từ 10 tỉ USD vào năm 2018.

Các nhà sản xuất lớn đang cố gắng đáp ứng nhu cầu về thực phẩm có nguồn gốc thực vật và do đó ngày càng tung ra nhiều nhãn hiệu cũng như sản phẩm chay mới.

Vào tháng 1, công ty khởi nghiệp Starfield Food Science and Technology có trụ sở tại Thâm Quyến đã huy động được 100 triệu USD để tài trợ cho một thương hiệu protein thuần chay.

Protein thực vật của Starfield đã được cung cấp cho 14.000 nhà hàng trên khắp Trung Quốc. “Chúng tôi vẫn đang học cách tạo ra protein từ thực vật, đồng thời chúng tôi phải không ngừng cải thiện hương vị và kết cấu của sản phẩm”, Albert Tseng, người đồng sáng lập Dao Foods cho biết.

Tuy nhiên, tác động môi trường của thói quen tiêu dùng của Trung Quốc đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm do quốc gia này có hơn 1,4 tỉ dân và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Theo các nhà khoa học, việc sản xuất thịt bò và thịt lợn gây ô nhiễm bầu không khí với các chất gây chết người cho các sinh vật. Phân động vật giải phóng amoniac, chất này phản ứng với các chất khác trong khí quyển. Kết quả là các hạt rắn được hình thành gây nguy hiểm cho con người chúng có thể dẫn đến các bệnh về hô hấp và tim mạch.

Thanh Bình (lược dịch)