Tin thế giới 24/3: Ukraine nói ‘xứng đáng’ vào EU, Phương Tây tăng sức ép lên Nga, Mỹ-Hàn lo trước tên lửa Triều Tiên

Đối ngoại - Ngày đăng : 23:46, 24/03/2022

Phương Tây gây sức ép lên Nga, ông Zelensky nói Ukraine ‘xứng đáng’ vào EU, Mỹ-Hàn lo lắng về tên lửa Triều Tiên…là tin thế giới nổi bật ngày 24/3.
người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. (Nguồn: Reuters)
Tin thế giới 24/3: Ukraine nói ‘xứng đáng’ vào EU, Phương Tây tăng sức ép lên Nga, Mỹ-Hàn lo trước tên lửa Triều Tiên - Ảnh: Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (ảnh) lên tiếng về sự vắng mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Nga. (Nguồn: Reuters)

Xung đột Nga-Ukraine

Điện Kremlin bình luận về sự vắng mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Nga

Người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 24/3 đã đưa ra bình luận trước tin đồn về sự “mất tích” của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu. Ông nói: “Bộ trưởng Quốc phòng hiện có nhiều công việc. Chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra. Đương nhiên, hiện không phải là thời điểm cho hoạt động truyền thông, điều này khá dễ hiểu.”

Bình luận về thông tin của một cơ quan truyền thông cho rằng ông Shoigu dường như có “vấn đề về sức khỏe”, ông Peskov nói: “Không cần phải nghe cơ quan này, hãy liên hệ với Bộ Quốc phòng (Nga)”. Cũng trong ngày 24/3, hãng Interfax cho biết ông Shoigu vẫn đang liên tục cập nhật cho Tổng thống Vladimir Putin và Hội đồng An ninh Nga về chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. (Sputnik)

Vai trò của cựu tỷ phú Chelsea trong đàm phán Nga-Ukraine

Ngày 24/3, Điện Kremlin cho biết tỷ phú Nga Roman Abramovich đã đóng vai trò ban đầu trong các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine song tiến trình này hiện đang do các nhóm đàm phán của cả hai phía quyết định.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov nêu rõ: “Ông ấy đã tham gia nay từ giai đoạn đầu. Hiện các các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai nhóm, Nga và Ukraine”.

Chính quyền phương Tây đã nhắm tới ông Abramovich và một số tỷ phú Nga khác bằng các lệnh trừng phạt, trong bối cảnh họ tìm cách cô lập Tổng thống Vladimir Putin và các đồng minh của nhà lãnh đạo này vì xung đột tại Ukraine. (Sputnik)

Tổng thống Zelensky: Ukraine nên là thành viên chính thức của EU

Trong bài phát biểu được ghi hình gửi tới các nghị sỹ Thụy Điển ngày 24/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đang chiến đấu vì an ninh toàn châu Âu và nên là thành viên chính thức của Liên minh châu Âu (EU).

Ông Zelensky nhấn mạnh: “Chúng tôi không chiến đấu chỉ vì người dân Ukraine, mà vì an ninh của châu Âu, và chúng tôi đã chứng tỏ rằng chúng tôi xứng đáng là một thành viên chính thức của EU”. (Reuters)

Ukraine: Châu Âu nên khước từ yêu cầu thanh toán của Nga

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 24/3 đã kêu gọi châu Âu bác yêu sách của Moscow và không thanh toán tiền mua năng lượng bằng đồng ruble. Ông nói: “Tôi kêu gọi các nước này đưa ra lựa chọn khôn ngoan và có trách nhiệm”, đồng thời lưu ý rằng yêu cầu thanh toán dầu khí bằng đồng ruble là "sự sỉ nhục" đối với châu Âu.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh: “Nga đang phản công trên mặt trận kinh tế, tài chính và tìm cách đặt EU vào thế khó”.

Theo ông, các nước nhập khẩu năng lượng Nga cần xây dựng kế hoạch để “thoát khỏi cái bẫy này” và “từ bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga”.

Hôm 23/3, trong buổi họp chính phủ, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow sẽ yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rublevới các quốc gia “không thân thiện”. (Reuters)

NATO: Tổng thống Nga phạm “sai lầm lớn”

Ngày 24/3, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phạm phải một “sai lầm lớn” khi triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Phát biểu trước thềm thượng đỉnh NATO ở Brussels, ông Stoltenberg nói: “Tổng thống Putin đã phạm một sai lầm lớn và đó là phát động một cuộc chiến nhằm vào một quốc gia độc lập có chủ quyền. Ông ta đã đánh giá thấp sức mạnh của người dân Ukraine, lòng quả cảm của nhân dân Ukraine và các lực lượng vũ trang của họ”.

Theo ông Stoltenberg, các nhà lãnh đạo NATO sẽ “giải quyết nhu cầu thiết lập lại khả năng răn đe và phòng thủ trong dài hạn”, bắt đầu bằng việc đồng ý triển khai lực lượng mới tới các thành viên Romania, Hungary, Slovakia và Bulgaria ở phía Đông. (AFP)

Anh, Ba Lan tiếp tục gây sức ép với Nga

Anh đã đóng băng các tài sản của Gazprombank và Alfa Bank của Nga, cũng như tập đoàn vận tải quốc doanh Sovcomflot trong đợt trừng phạt mới nhất được thông báo vào ngày 24/3. Các ngân hàng và tập đoàn này nằm trong số 59 cá nhân và thực thể được thêm vào danh sách trừng phạt, vốn được thiết lập nhằm vào Moscow từ khi Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Gazprombank là một trong những kênh chính thanh toán dầu mỏ và khí đốt của Nga, còn Alfa-Bank là một ngân hàng tư nhân hàng đầu của nước này.

Trong khi đó, hãng thông tấn RIA đưa tin Đại sứ Nga tại thủ đô Warsaw ngày 24/3 cho biết Ba Lan đã phong tỏa tài khoản ngân hàng của đại sứ quán Nga với cáo buộc cơ quan ngoại giao này tài trợ cho “hoạt động khủng bố”. (Reuters)

Ấn Độ bình luận về quan hệ với Mỹ và Nga

Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định nước này có quan hệ hữu nghị với cả Mỹ lanax Nga, và hai mối quan hệ này tách biệt với nhau.

Trong tuyên bố gửi Quốc hội Ấn Độ, Bộ Ngoại giao nước này khẳng định trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã xích lại gần Mỹ hơn trước một Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của New Delhi. Ấn Độ là nước lớn duy nhất có quan hệ thân cận với Mỹ chưa lên án việc Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hay áp đặt trừng phạt với Moscow.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách đối ngoại và văn hóa Meenakashi Lekhi nêu rõ: “Ấn Độ đã kêu gọi lập tức chấm dứt giao tranh và quay trở lại con đường ngoại giao và đối thoại liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Ấn Độ có quan hệ thân thiện và gần gũi với cả Mỹ và Nga. Các mối quan hệ với hai nước đều có những giá trị riêng”.

Tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Ấn Độ là nước duy nhất trong Bộ Tứ “run sợ” trước Nga. Sau chuyến thăm New Delhi tuần này, quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẵn sàng cung cấp thêm khí tài quân sự và năng lượng cho Ấn Độ để giảm bớt phụ thuộc vào Moscow. Từ súng trường đến tên lửa, 60% nguồn cung quân sự của Ấn Độ xuất phát từ Nga, vốn được giới phân tích cho rằng có chi phí rẻ hơn các thiết bị của Mỹ. (Times of India)

Bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên phóng tên lửa là “hành động khiêu khích nghiêm trọng”

Ngày 24/3, nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên, cói đó là hành động khiêu khích nghiêm trọng đe dọa an ninh Hàn Quốc. Nhóm này cho rằng động thái mới nhất này của Bình Nhưỡng trực tiếp vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ngày 24/3, Quân đội Hàn Quốc cho biết lực lượng này đã tiến hành phóng thử nhiều tên lửa đạn đạo và các tên lửa chiến thuật ngay sau đó. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc, cuộc thử nghiệm này khẳng định nước này có khả năng thực hiện một cuộc tấn công chính xác đáp trả bất kỳ vụ phóng tên lửa nào của Triều Tiên và hệ thống chỉ huy của Bình Nhưỡng.

Trước đó cùng ngày, JCS cho biết phát hiện Triều Tiên đã phóng một vật thể được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ bệ phóng Sunan ở Bình Nhưỡng vào lúc 14h34' (theo giờ địa phương). Theo JCS, Triều Tiên đã phóng tên lửa này ở một góc nghiêng. Tên lửa đã bay xa khoảng 1.080 km ở độ cao tối đa hơn 6.200 km. Tên lửa này đã rơi xuống Biển Nhật Bản ở vị trí cách bán đảo Oshima thuộc tỉnh Hokkaido của Nhật Bản 150km về phía Tây. (Yonhap)

(03.24) Triều Tiên được cho là dã thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17. (Nguồn: Reuters/KCNA)
Triều Tiên được cho là dã thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17. (Nguồn: Reuters/KCNA)

Triều Tiên có thể đã vượt qua “lằn ranh đỏ”

Nhiều hãng truyền thông Hàn Quốc như Yonhap, KBS, DongA Ilbo, News1, Newsis ngày 24/3 liên tục cập nhật thông tin liên quan đến vụ phóng thử tên lửa cùng ngày của Triều Tiên.

Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) trực thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc chiều ngày 24/3 đã xác nhận phỏng đoán trước đó của giới truyền thông trong nước rằng đây là một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Theo đó, Triều Tiên có thể đã vượt qua “lằn ranh đỏ” do Hàn-Mỹ vạch ra, đẩy Bán đảo Triều Tiên vào vòng xoáy đối đầu mới.

Truyền thông Hàn Quốc nêu ra khả năng đây là vụ phóng thử ICBM mới, có thể là “Hwasong-17”.

Trước đó, ngày 16/3, một tên lửa đạn đạo, được cho là cùng loại, đã được phóng đi, song đã phát nổ trên không ở độ cao 20 km. Theo đó, vụ phóng ngày 24/3 có thể là vụ phóng nhằm thử nghiệm các tính năng liên quan của ICBM kiểu mới, đồng thời “bù đắp” cho thất bại của vụ phóng ngày 16/3.

Trước đó, Hàn Quốc và Mỹ đã bất ngờ đưa ra cảnh báo rằng Triều Tiên đang trong quá trình thử nghiệm các tính năng liên quan đến ICBM kiểu mới thông qua các vụ thử ngày 27/2 và 5/3 mà Triều Tiên tuyên bố là các vụ phóng thử vệ tinh do thám. Theo đó, một khi vụ phóng ngày 24/3 được xác nhận là ICBM, có thể xem như Triều Tiên đã vượt qua “lằn ranh đỏ” của Hàn-Mỹ. Nhiều khả năng Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp cứng rắn.

Một số nhà quan sát cho rằng vụ phóng của Triều Tiên có thể là một phép thử khả năng sẵn sàng của giới chức quân sự Hàn Quốc và lợi dụng việc Hàn Quốc đang tranh cãi về việc di dời Văn phòng Tổng thống ra khu quân sự Yonsan.

Tại phiên họp toàn thể NSC dưới sự chủ trì của Tổng thống Moon Jae-in lần thứ 5 trong năm 2022, NSC xác nhận Triều Tiên đã sử dụng ICBM trong vụ phóng mới nhất diễn ra cùng ngày. (Yonhap)

Mỹ: Triều Tiên “vi phạm trắng trợn” nghị quyết của HĐBA LHQ

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ cực lực lên án vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên. Bà Psaki nói: “Vụ phóng này là một sự vi phạm trắng trợn đối với nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là hành động làm gia tăng căng thẳng, có nguy cơ gây mất ổn định tình hình an ninh trong khu vực”

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn, Mỹ và Nhật Bản cũng đã lên án mạnh mẽ việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và cam kết phối hợp chặt chẽ để có “những phản ứng nghiêm khắc”.

Các quan chức này nhất trí rằng vụ phóng mới nhất của Triều Tiên gây ra mối đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với Bán đảo Triều Tiên mà còn đối với cộng đồng quốc tế, đồng thời kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay lập tức các hành động gây bất ổn hơn nữa./.

Trong một tuyên bố ngày 24/3, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ tuyên bố Washington lên án vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Động thái này diễn ra sau khi Hàn Quốc và Nhật Bản đưa tin về vụ phóng được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên kể từ năm 2017.

INDOPACOM đánh giá vụ phóng mới nhất của Triều Tiên không gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với lãnh thổ hoặc nhân viên của Mỹ, hoặc các đồng minh của nước này, song kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng kiềm chế và tránh các hành vi gây bất ổn thêm. (Reuters/Yonhap)

Minh Vương