Nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư từ kiều bào

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:05, 24/03/2022

Trong thời gian qua, đầu tư của kiều bào đổ về nước ngày càng nhiều. Theo các chuyên gia kinh tế, cơ hội để Việt Nam thu hút thêm dòng vốn FDI từ kiều bào còn rất lớn, nhất là khi, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển và có tiềm lực về kinh tế, có cơ hội tiếp cận các nền tảng khoa học-công nghệ tại các nước phát triển.

Kiều bào đầu tư về 'đất mẹ' ngày càng nhiều

Việt Nam hiện đã thu hút được 376 dự án đầu tư của kiều bào theo hình thức đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 1,72 tỷ USD, các dự án này tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện Việt Nam đã thu hút được 34.700 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 418,8 tỷ USD đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó những đối tác FDI lớn của Việt Nam là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản...

Nhiều triển vọng trong việc thu hút đầu tư kiều bào
Nhiều cơ hội thu hút đầu tư của kiều bào - Ảnh minh họa.

Theo ông Chung, FDI đóng góp rất lớn vào với nền kinh tế, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm 23% GDP cũng như đóng góp từ 21-23% nguồn thu ngân sách và tạo việc làm cho khoảng 6 triệu lao động. Dòng vốn FDI hiện cũng chiếm 68-70% giá trị xuất khẩu và 55% giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Điều đó cho thấy, FDI vẫn đóng một vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Trong số các dự án FDI của Việt Nam, có 376 dự án FDI của kiều bào đang sinh sống tại 29 quốc gia trên thế giới đầu tư về nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1,72 tỷ USD, các dự án này tập trung tại 42/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và tập trung vào nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số.

Ông Chung cho rằng, những con số trên còn mang tính tương đối, vì đây là thống kê theo hướng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, còn đầu tư gián tiếp thông qua kiều hối và hình thức đầu tư về nước khác thì rất lớn, vì trung bình, 1 năm kiều hối về Việt Nam khoảng hơn 10 tỷ USD, điển hình, năm 2021 kiều hối về Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD. Đây là nguồn vốn rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Tạo điều kiện tốt nhất để kiều bào đóng góp xây dựng đất nước

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù so với tổng 34.700 dự án FDI và 418,8 tỷ USD mà Việt Nam đã thu hút được, thì số vốn đầu tư trực tiếp của kiều bào về nước vẫn còn khá “khiêm tốn”. Tuy nhiên, cơ hội để Việt Nam thu hút thêm dòng vốn FDI từ kiều bào còn rất lớn. Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày càng phát triển và có tiềm lực về kinh tế, có cơ hội tiếp cận các nền tảng khoa học-công nghệ tại các nước phát triển.

Cùng với đó, ông Vũ Văn Chung cho biết, Việt Nam cũng đưa ra nhiều chính sách cởi mở, tạo thuận lợi cho các doanh nhân kiều bào về nước.

Cụ thể, về mặt pháp lý, đối với người Việt Nam ở nước ngoài khi đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam theo Luật Đầu tư năm 2020, nếu người dân còn quốc tịch Việt Nam thì được coi như công dân Việt Nam, áp dụng các cơ chế chính sách, ưu đãi thủ tục như đối với người Việt Nam, còn đối với Việt kiều còn quốc tịch Việt Nam và có quốc tịch nước ngoài thì Luật quy định nhà đầu tư và Việt kiều được phép lựa chọn chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật. Ví dụ như lựa chọn theo công dân Việt Nam thì được áp dụng theo chính sách công dân Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu mở cửa trở lại theo trạng thái bình thường mới, để phục hồi, phát triển kinh tế kinh tế - xã hội, thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội cũng đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho họ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Mặt khác, Việt Nam đã thông qua chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong 2 năm 2022-2023 với tổng số tiền 350.000 tỷ đồng, trong đó, trong năm 2022 sẽ giải ngân khoảng 50% của gói 350.000 tỷ đồng, đây được đánh giá sẽ là động lực quan trọng để nền kinh tế Việt Nam bứt phá trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế, mở cửa hợp tác phát triển kinh tế cũng đã được triển khai thực hiện, các chuyến bay quốc tế đã được mở trở lại, khách du lịch đã được đến Việt Nam, các chuyên gia nước ngoài cũng thuận lợi trong việc sang Việt Nam để làm việc, triển khai các kế hoạch đầu tư, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam tiếp tục được đổi mới thông qua cải cách về thủ tục hành chính và các cơ chế ưu đãi rất cạnh tranh so với nhiều quốc gia trong khu vực. Đây là những tín hiệu tích cực để Việt Nam thu hút các dự án FDI nói chung và FDI kiều bào nói chung.

Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành công của Việt Nam trong thời gian qua cũng góp phần năng cao uy tín, sự an toàn về môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp của các kiều bào tiếp tục đầu tư.

Đông Phong