Làm sao để phân biệt giữa cảm cúm, cảm lạnh và COVID-19
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:10, 24/03/2022
Triệu chứng COVID-19 ngày càng nhẹ
Theo các bác sĩ, triệu chứng COVID-19 ngày càng nhẹ và khó nhận biệt hơn khi tỉ lệ tiêm vắc xin cả nước đã cao, đặc biệt là chủng Omicron ngày càng nhẹ. Vì vậy để xác định đúng bệnh cần phải dựa vào yếu tố dịch tễ và thực hiện xét nghiệm khi cần.
ThS.BS Nguyễn Nguyên Huyền - trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương – cho biết cảm cúm là căn bệnh thường niên, do virus cúm gây ra, phát triển nhiều khi thời tiết chuyển lạnh, có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh.
Còn cảm lạnh là bệnh viêm hô hấp nhẹ hơn so với cúm, có thể khỏe lại sau một vài ngày. Triệu chứng thông thường của cảm cúm, cảm lạnh bao gồm sốt, ho, đau mỏi người, có các tổn thương viêm đường hô hấp. Các triệu chứng cảnh báo bệnh nặng lên gồm ho nhiều, tức ngực, khó thở, sốt cao.
Mặc dù rất giống với triệu chứng của COVID-19 nhưng khi bị cảm người bệnh thường có thêm các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi. Còn với người nhiễm COVID-19 chỉ có ho, ho khan, ho dai dẳng; sốt; mất khứu giác và vị giác.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết các triệu chứng sốt, đau họng, ho, mệt mỏi có thể gặp ở cả cảm cúm và COVID-19. Nhưng người bị cảm thường có thêm các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi; nhức hốc mắt, đau nhức cơ thể. Còn người nhiễm COVID-19 thì thường ho, ho khan; sốt; mất khứu giác, mất vị giác.
Ngoài ra, khó thở là biểu hiện phổ biến của COVID-19. Cảm cúm không gây ra khó thở, nhưng nó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm đã gây ra viêm phổi.
Người bị cúm sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, thường khởi phát từ 1-4 ngày sau khi nhiễm virus cúm. Trong khi các triệu chứng của COVID-19 có thể xuất hiện muộn hơn từ 2-14 ngày sau khi bị nhiễm virus corona.
COVID-19 nguy hiểm hơn cảm cúm, cảm lạnh
PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM - cũng cho biết theo các nghiên cứu được công bố, cảm lạnh và COVID-19 đều có triệu chứng giống nhau.
Ví dụ khi nhiệt độ cơ thể từ 37 độ chuyển lên 38 độ hoặc cao hơn lúc đó sẽ thấy ớn lạnh giống nhau. Đây là triệu chứng phổ biến, không đặc hiệu cho một bệnh cụ thể.
Việc điều trị giữa cảm lạnh và COVID-19 đều giống nhau. Tuy nhiên do COVID-19 có khả năng lây lan nhanh và dễ diễn tiến nặng dẫn đến suy hô hấp nên cần phải cách ly chặt chẽ hơn, theo dõi kỹ hơn.
Điều trị ban đầu giữa cảm lạnh và COVID-19 là không nên dùng thuốc. Nhiều người không có triệu chứng mà uống thuốc là sai lầm. Tốt nhất là điều trị triệu chứng, chỉ uống thuốc hạ sốt khi có sốt cao, vitamin (nếu có), uống thuốc theo triệu chứng.
Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết thêm, một số người bị COVID-19 chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhất là khi tỷ lệ tiêm vắc xin tăng lên thì biểu hiện bệnh ở người nhiễm COVID-19 cũng nhẹ và khó nhận biết hơn. Do đó, để xác định một người bị cảm cúm hay COVID-19 cần phải dựa vào yếu tố dịch tễ và xét nghiệm khi cần.
Nếu có có yếu tố dịch tễ hoặc có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 thì nên thực hiện test nhanh COVID-19 hoặc xét nghiệm PCR. Trong thời gian này nên hạn chế ra khỏi tại nhà, đeo khẩu trang nếu phải ra ngoài và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác để tránh lây nhiễm.
Cảm cúm và COVID-19 đều không có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu để làm giảm các triệu chứng của bệnh. Đối với bệnh cúm, tiêm ngừa vắc xin là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm. Vắc xin cúm được khuyến nghị tiêm cho tất cả những người trên 6 tháng tuổi, mỗi năm 1 lần.
Đối với COVID-19, tiêm vắc xin cũng là cách hiệu quả nhất hiện nay để phòng ngừa và giảm nguy cơ bệnh nặng.
Cả cúm và COVID-19 đều lây truyền qua các giọt đường hô hấp khi người nhiễm virus ho, thở ra, nói chuyện hoặc hắt hơi. Các giọt này cũng có thể rơi xuống đồ vật hoặc các bề mặt. Khi tay tiếp xúc với vật hoặc bề mặt này rồi chạm và mắt, mũi hoặc miệng có thể dẫn đến nhiễm virus. Có thể phòng ngừa cúm và COVID-19 bằng các cách sau:
- Đeo khẩu trang che mũi và miệng;
- Hạn chế bắt tay, ôm nhau để chào hỏi;
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi ra ngoài trở về hoặc tiếp xúc với các đồ vật và bề mặt nơi công cộng;
- Không đưa tay sờ lên mắt, mũi và miệng;
- Hạn chế tụ tập đông người;
- Xúc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi đánh răng;
- Giữ ấm cho cơ thể, nhất là khi trời lạnh;
- Tập thể dục và có chế độ ăn lành mạnh để tăng sức đề kháng.