Nhiều đám cưới bị hoãn hoặc hủy bỏ vì giá vàng tăng chóng mặt

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:47, 24/03/2022

Nhu cầu mua vàng tăng cao khiến giá bán không ngừng tăng trở thành nguyên nhân khiến nhiều đám cưới phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ.

Thị trường vàng trên thế giới tràn ngập “drama” kể từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Cuộc chiến này được nhận định sẽ tiếp tục làm gia tăng tình trạng lạm phát trên toàn cầu.

Trong giai đoạn lạm phát, giá trị của tiền mặt sẽ bị giảm. Do vàng được định giá bằng đồng USD, nên giá vàng sẽ rẻ hơn một khi những đồng tiền như USD sụt giảm giá trị. Đây cũng là lúc nhu cầu mua vàng tăng cao đồng thời đẩy giá bán kim loại quý này tăng nhanh.

Nhiều đám cưới bị hoãn hoặc hủy bỏ vì giá vàng tăng chóng mặt
Nhiều đám cưới ở Ấn Độ bị hoãn hoặc hủy bỏ vì giá vàng tăng chóng mặt. (Ảnh minh họa)

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ từ Biển Đen và chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư chuyển sang tích trữ vàng, mặt hàng được đánh giá là thiên đường an toàn trong giai đoạn khủng hoảng.

Đây cũng là những gì đang diễn ra tại một số thị trường mua bán vàng lớn nhất khu vực châu Á như Thái Lan, nơi các nhà đầu tư hoặc bán vàng tích trữ để kiếm lời nhờ chêch lệch giá cao, hoặc mua tích trữ để chống lạm phát.

Hiệp hội Các nhà kinh doanh vàng Thái Lan dự báo giá vàng có thể tăng lên mức 33.000 baht (985 USD), nếu như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine còn kéo dài.

Ông Aat Pisanwanich, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế tại Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, nhận định chiến sự ở Ukraine kèm theo nguy cơ sử dụng vũ khí hóa học, vũ khí hạt nhân và sự tham gia ngày càng sâu của NATO có thể khiến giá vàng ở Thái Lan leo lên mốc 40.000 bath (1.193 USD).

Còn tại Ấn Độ, giá vàng tăng vọt lại đang gây ảnh hưởng tới ngành dịch vụ cưới hỏi.

Với vị thế là khách hàng mua vàng lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, niềm yêu thích vàng ở Ấn Độ chưa bao giờ nguôi. Tại Ấn Độ, vàng không chỉ là biểu tượng đẳng cấp, mà còn có giá trị lớn trong văn hóa và tín ngưỡng nhất là vào những dịp quan trọng như lễ cưới, sinh nhật và lễ hội.

Hồi đầu tháng này, giá vàng trong nước tại Ấn Độ đã đạt 55.500 rupee (729 USD) cho 10 gram vàng 24 carat. Con số này gần bằng mức giá đạt đỉnh trên 56.000 rupee (736 USD) vào tháng 8/2020, thời điểm nhu cầu mua vàng tăng vọt do tâm lý lo sợ đại dịch Covid-19.

Anh Pankaj Dhariya (34 tuổi), một giám đốc kinh doanh ở bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, đã phải hoãn đám cưới dự định diễn ra vào tháng Tư năm nay do “nhà cô dâu không thể mua vàng làm quà cưới”.

“Bố tôi khuyên nhà gái nên mua vàng theo dạng trả góp, nhưng nhà gái nói rằng sau khi gánh trên vai chi phí tăng cao cho cỗ bàn, thuê địa điểm tổ chức đám cưới, quà tặng và quần áo, họ không còn đủ khả năng để tặng cho chú rể trang sức bằng bạc chứ không nói là vàng. Do đó, đám cưới đã bị hoãn ngay lập tức”, anh Dhariya cho biết.

Hay như trường hợp của cô dâu (28 tuổi) giấu tên đang làm giáo viên ở thủ đô New Delhi chia sẻ, cô đã vô cùng đau lòng khi mẹ mình phải bán hết số trang sức cá nhân để mua vàng giá cao làm quà cưới cho hôn lễ của con gái vào tháng Năm này.

“Mẹ chồng tôi khăng khăng nói rằng chúng tôi phải mua ít nhất là 20 gram vàng làm của hồi môn khi về nhà chồng, nếu không đám cưới sẽ không được tiến hành”, cô gái nói.

Tại các khu vực nông thôn ở Ấn Độ, nhiều người tận dụng giá vàng tăng cao để bán đi nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính cá nhân như làm ăn thua lỗ trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho biết nhiều người dân nước này đã đi vay tiền ngắn hạn bằng cách thế chấp vàng.

Trên thực tế, những người không chuẩn bị làm đám cưới sẽ không chi tiền để mua giá vàng giá cao, mà thay vào đó chờ khi tình hình ổn định mới đầu tư. Đây là lý do sức bán các mặt hàng trang sức vàng đang giảm giữa lúc giá vàng vẫn tăng cao.

“Chúng tôi ghi nhận xu hướng giảm ổn định trong hoạt động mua lẻ, khi người dân chờ giá vàng ổn định trở lại. Những nhà đầu tư trẻ tuổi dồn tiền vào trái phiếu vàng và đầu tư tín thác thay vì mua vàng”, ông Arjun Varadaraj, Tổng giám đốc NAC Jewellers, một trong những cửa hàng bán trang sức quy mô lớn nhất tại trung tâm vàng ở Chennai nhấn mạnh.

Minh Thu (lược dịch)