Chuyên gia quan ngại sau COVID-19, bệnh lao có thể bùng phát
Tin Y tế - Ngày đăng : 16:27, 24/03/2022
98% bệnh nhân lao kháng thuốc, đối mặt những chi phí thảm họa
Ngày 24.3, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức lễ mitting Ngày Thế giới Phòng chống Lao với chủ đề “Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới với hơn 172.000 người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo WHO 2020).
Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Hiện nay, Việt Nam vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện
Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Tuy nhiên, trong gần 3 năm qua, Việt Nam cũng như thế giới phải đối mặt với làn sóng của đại dịch COVID-19, tập trung mọi nguồn lực cho chống COVID-19. Giãn cách xã hội, khó tiếp cận cơ sở y tế trong đại dịch khiến nhiều người đã không được thăm khám định kỳ, được phát hiện sớm bệnh lao tiềm ẩn, việc điều trị bị gián đoạn, gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
"Sau COVID-19, chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân lao có những tổn thương lao phổi, lao toàn thể, lao màng não rất nặng nề như cách đây 10 năm trước. Bệnh nhân lao bị gián đoạn tiếp cận y tế do COVID-19 nặng lên và tử vong nhiều. Sau COVID, hậu quả lao sẽ bùng phát trên diện rộng vì mọi gia đình đều bị ảnh hưởng", PGS Nhung nói.
Theo PGS Nhung, để giảm thiểu tác hại của COVID-19 với Chương trình Chống lao quốc gia, phải tập trung nguồn lực cho chống lao.
Đầu tiên, vai trò y tế cơ sở rất quan trọng trong phát hiện lao. Các cơ sở y tế phải cung cấp dịch vụ thân thiện, mở cửa, khám COVID-19, khám hậu COVID-19 và khám lao vì triệu chứng hậu COVID-19 và lao khá giống nhau.
Thứ hai, cộng đồng phải chủ động tham gia bằng các chương trình liên tục cung cấp kiến thức, kỹ năng để người dân phát hiện bệnh. Chương trình sẽ ban hành các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật, tổ chức thực hiện một cách thân thiện nhất.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung bày tỏ quan ngại, sau COVID-19, có thể bệnh lao bùng phát. Một số vi khuẩn trước đây đang được sức đề kháng miễn dịch khống chế nhưng sau COVID-19, sức đề kháng miễn dịch giảm, vi khuẩn lao có thể tái hoạt động trở lại.
Do đó, năm 2022, nhiệm vụ của công tác phòng, chống lao sẽ nặng nề hơn, bù đắp cho chỉ tiêu năm 2021 chưa hoàn thành. Nếu bệnh lao được phát hiện sớm, cắt đứt nguồn lây và điều trị kịp thời như COVID-19, sẽ giảm tỉ lệ lây nhiễm và tử vong, tiến tới mục tiêu năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.