Bên trong đền thờ đặt lư hương Đức Thánh Trần ở Sài Gòn

Văn hoá - Giải trí - Ngày đăng : 14:32, 24/03/2022

Sài Gòn có đến 5 đền thờ đức Thánh Trần, nhưng được biết hơn cả là đền thờ ở phường Tân Định, Q1, nhất là khi thời gian qua, đây là nơi chiếc lư hương dưới chân tượng Đức Thánh Trần “tạm tá túc”.
1.jpg

Ngay sau khi lư hương được an vị trở lại dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh, đã có nhiều ý kiến trên cộng đồng mạng về độ xác thực của chiếc lư hương cũ, khi thấy màu sắc bên ngoài khác đi. Tuy nhiên, đây chính là chiếc lư hương cũ, đã được xử lý, đánh bóng lại vẻ ngoài sạch sẽ, như mới trước khi an vị lại vị trí cũ.

2.jpg

Có lẽ, do người ta quen nhìn chiếc lư hương dưới chân đức Thánh Trần với màu đồng bị oxi hóa xỉn màu dãi dầu ngoài trời mưa nắng hơn nửa thế kỷ qua. Đây là hình ảnh chiếc lư hương khi “ở tạm” trong đền Trần Hưng Đạo trước khi được “tút” lại và trả về vị trí ban đầu.

3.jpg

Được biết, trước đó, khu vực sân đền có tổng cộng 3 chiếc lư hương. Chiếc lư hương dời từ Công trường Mê Linh về đã “ở tạm” một góc sân trước khi thay thế vị trí một lư hương nhỏ và thấp hơn ở phía ngoài cùng (nhìn từ cổng vào).

4.jpg

Vết nền gạch sụt lún là dấu vết của quá trình vận chuyển lư hương về lại tượng đức Thánh Trần ở công trường Mê Linh. Vị trí màu trắng xám trong hình chính là nơi “đặt tạm” chiếc lư hơn 3 năm qua.

5.jpg

Hai chiếc lư còn lại trong đền, được đúc giống nhau, cũng đã có tuổi đời đúng nửa thế kỷ. Dòng chữ trên thành lư hương ghi rõ năm: mùa đông năm Nhâm Tý 1972.

6.jpg

Đền thờ Trần Hưng Đạo ở đường Võ Thị Sáu, quận 1 được xây dựng từ năm 1932 trên nền đất chùa Vạn An cũ. Từ 1958 đến 1973, đền được mở rộng, xây cất khang trang, to lớn hơn.

hinh-7.jpg

Trước 1975, đền do hội Bắc Việt tương tế quản lý. Hội này quy tụ một số công chức miền Bắc vào Sài Gòn sinh sống những năm đầu thế kỷ XX.

hinh-8.jpg

Đền thờ đức Thánh Trần ở đây được xây theo chữ công (I), giống căn nhà 3 gian 2 chái phổ biến ở miền Bắc Việt Nam. Bản thiết kế đến do kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bảo thực hiện. Dù kiến trúc hiện đại nhưng vẫn kế thừa những đặc trưng kiến trúc của đền chùa miền Bắc.

hinh-9.jpg

Nội thất đền được bố trí thành nhiều gian, có gian chính thờ đức Thánh Trần Hưng Đạo cùng họ hàng thân tộc. Nghệ thuật đúc đồng, chạm lộng…tinh xảo đã làm tăng thêm giá trị kiến trúc của đền.

hinh-10.jpg

Bức tranh họa lại chân dung Trần Hưng Đạo được treo bên trong đền.

hinh-11.jpg

Bên trong đền, có gian thờ các anh hùng hào kiệt đời Trần đã có công giết giặc cứu nước như Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Yết Kiêu, Dã Tượng…

hinh-12.jpg

Khách đến đền đủ mọi thành phần, tầng lớp xã hội, trong đó phụ nữ và người già chiếm số lượng đông hơn. Khách thường cầu xin bình an cho gia đình, bản thân, may mắn trong công việc làm ăn, thi cử…

hinh-13.jpg

Lễ vật có cả chay lẫn mặn, ít nhiều tùy vào khả năng từng người, thường là trái cây, hương đèn, gà luộc, heo quay, vịt quay…Khách đến ngoài viếng đền, thường xin keo, xin xăm, xin khấn, xin bùa hoặc bán khoán.

hinh-14.jpg

Trong đó xin bùa: là con dấu in trên vải đặt trên đầu nằm của đứa trẻ nhằm xin Thánh phù hộ trẻ khỏi khóc đêm ; bán khoán là bán, gửi con cho Thánh nuôi đến năm 12 tuổi, để cầu mong trẻ mạnh khỏe; thề là nhiều người đưa nhau đến đền để thề thốt trong chuyện làm ăn, tình duyên, vay mượn…nhằm chứng tỏ lòng thành và được Thánh làm chứng.

hinh-15.jpg
Tuy đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo mới được dựng từ đầu thế kỷ đến nay, nhưng việc thờ cúng ngài vẫn được duy trì đều đặn, trang nghiêm. Lễ giỗ đức Thánh Trần Hưng Đạo được tổ chức vào ngày 20/8 âm lịch và kéo dài trong 3 ngày 19, 20, 21 tháng 8 hàng năm.

Minh Minh