Loạn phân lô bán nền "núp bóng" tách thửa, Hà Nội chỉ đạo siết chặt
Kinh doanh - Ngày đăng : 11:35, 24/03/2022
"Siết" phân lô, tách thửa
Trong Văn bản số 1685 gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội liên quan tới việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian qua, việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ tầng để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã được phương tiện thông tin đại chúng phản ánh.
Sở Tài Nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ tầng đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 đến 31/1/2022 đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2.
UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất, đồng thời đề xuất kiến nghị về các nội dung: Điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại địa phương…
Sở này cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở; chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm thực hiện rà soát, báo cáo về các nội dung cụ thể: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị đăng ký biến động đất đai trong khoảng thời gian từ 1/2017 đến 1/2022 đối với thủ tục chia, tách thửa đất cho các thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2; đề xuất, kiến nghị giải pháp xử lý đối với khó khăn, vướng mắc gặp phải.
Ồ ạt phân lô bán nền "núp bóng" tách thửa
Như Dân trí đã phản ánh, thời gian qua, nhiều huyện ven trung tâm của TP Hà Nội như Thạch Thất, thị xã Sơn Tây… cho phép chuyển đổi những khu đất trồng cây lâu năm hàng nghìn m2 sang đất ở. Đáng nói, ngay sau khi chuyển đổi thành công, các khu đất này lại được tách thành những thửa đất diện tích 60 m2 đến 100 m2 và được rao bán tràn lan.
Cá biệt, tại thị xã Sơn Tây, ngày 15/12/2021, ông Nguyễn Viết Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây - đã ký 2 quyết định cho phép ông Đoàn Anh Tuấn và bà Lê Thị Huệ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất ở tại xã Cổ Đông. Diện tích chuyển đổi cho 2 cá nhân trên lên đến gần 5.000 m2.
Cụ thể, thửa đất số 34 tờ bản đồ số 110 thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, Thị xã Sơn Tây trước khi chưa chuyển đổi có diện tích 4.262 m2. Trong đó, 120 m2 là đất ở và 4.142 m2 là đất trồng cây lâu năm. Sau khi xin chuyển đổi, thửa đất này có diện tích 4.262 m2 là đất ở, thời gian sử dụng đất lâu dài.
Hay thửa đất 108 tờ bản đồ số 07 trước khi chưa chuyển đổi có diện tích 1.696 m2. Trong đó, 295 m2 là đất ở và 1.401 m2 đất trồng cây lâu năm tại thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, Thị xã Sơn Tây. Sau khi xin chuyển mục đích sử dụng đất, thửa đất 108 tờ bản đồ 07 có diện tích 1.696 m2 đất ở thời gian sử dụng lâu dài.
Sau khi chuyển đổi, cả 2 khu đất này đã được môi giới rao bán với tên "Quần thể dự án 12 lô Cổ Đông". Giá các lô đất nền có diện tích khoảng từ 60 m2 đến 100 m2 này thường chênh từ 7 triệu đồng/m2 đến hơn 10 triệu đồng/m2 so với đất nền của người dân khu vực.
Liên quan tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên, ông Khuất Văn Xuyên - Chủ tịch UBND xã Cổ Đông - cho rằng, những trường hợp xin chuyển nhượng đất cơ bản trước đây đã có nguồn gốc đất ở thì bây giờ xin chuyển nhượng thêm. Về việc tách thửa, ông cho hay người dân làm hồ sơ đăng ký nộp về UBND xã, đơn vị có trách nhiệm chuyển lên cho Thị xã sau đó Thị xã trình thành phố để xét duyệt.
Không chỉ ở thị xã Sơn Tây, tình trạng tách thửa, phân lô bán nền ở tại một số huyện ngoại thành của TP Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh… cũng diễn ra khá rầm rộ những năm gần đây.
Đơn cử, tại huyện Thạch Thất, 108 lô Bãi Dài Tiến Xuân (thuộc xã Tiến Xuân) đã được chia lô và được chủ đầu tư bán hết. Theo các môi giới, những lô đất này đã được bán hết từ đầu năm 2021 nhưng hiện tại vẫn chưa có hoạt động xây dựng nhà ở nào trên tất cả lô đất.
Tương tự, tại đường lớn đến ngõ nhỏ tại xã Bình Yên và Tân Xã, huyện Thạch Thất không khó bắt gặp các khu đất đã phân lô. Các lô đất thường có diện tích 60 m2 đến 100 m2 nhưng có giá bán dao động 1,2 tỷ đồng đến 1,7 tỷ đồng.
Ông Trương Quang Hồng - Chủ UBND xã Bình Yên (huyện Thạch Thất) - xác nhận, trường hợp xin tách thửa và số lượng đất ở tăng mạnh trong thời gian qua. Việc tách thửa, phân lô bán tràn lan như hiện nay khiến chính quyền cơ sở như ông Hồng "đau đầu" trong công tác thu thuế phi nông nghiệp và quản lý dân cư.
Theo số liệu thống kê mà ông Hồng cung cấp, năm 2018, tổng diện tích đất ở của xã là 245,88 ha; sang năm 2020 đã tăng thêm 5,9 ha, nâng tổng diện tích đất ở của xã lên 251,85 ha (2,4%); năm 2021 tăng thêm 6,42 ha, nâng tổng diện tích đất ở lên 252,3 ha (2,6%). Dựa trên tổng hợp hồ sơ, dự kiến năm 2022, xã này sẽ tăng thêm 10 ha.