“Bất lực” nhìn bác sĩ nghỉ việc, động viên người ở lại gồng gánh vượt khó

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:35, 24/03/2022

Đồng Nai - Trước thực trạng bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đa phần lãnh đạo của các bệnh viện đều đồng tình rằng, thu nhập thấp và áp lực công việc cao trong mùa COVID-19 là nguyên nhân chính. Các bác sĩ còn cho rằng, đây cũng là câu chuyện “muôn thủa”, dù không muốn nhưng cũng đành bất lực nhìn bác sĩ nghỉ việc, chỉ còn biết động viên những người ở lại gồng gánh, vượt khó.
“Bất lực” nhìn bác sĩ nghỉ việc, động viên người ở lại gồng gánh vượt khó
Tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai, các bác sĩ, nhân viên y tế phải "gồng gánh" thêm phần việc của những người đã nghỉ việc. Ảnh: Hà Anh Chiến

Bệnh viện thiếu người làm “toàn tập”

Thời gian gần đây, lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng Nai đang phải "đau đầu" về vấn đề thiếu nhân lực điều trị khám chữa bệnh cho các bệnh nhân nhi mắc COVID-19, biến chủng Omicron. Bệnh viện đã phải huy động tất cả y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, tăng thêm giường bệnh… để điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân tới điều trị nội - ngoại trú. Có những lúc cao điểm, bệnh viện tiếp nhận từ 150 - 200 bệnh nhân nên luôn trong tình trạng quá tải khi mỗi bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc hàng chục bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Nai - cho biết, việc số lượng bệnh nhân đến khám nội - ngoại trú tăng là tín hiệu vừa đáng mừng cũng vừa đáng lo. Mừng là số lượng bệnh khám ngoại - nội trú tăng lên thì sẽ có thêm nguồn thu để tăng thu nhập cho bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế. Đáng lo là vì số bệnh nhân COVID-19 tăng lên gây tâm lý lo lắng, nhưng đa phần các trường hợp nhiễm là không nặng. Đáng lo hơn nữa là nhiều nhân viên y tế tái nhiễm lần hai, những người này phải cho họ được cách ly, nghỉ ngơi nên bệnh viện đã thiếu lại càng thiếu nhân lực “toàn tập”.

Nhân viên bộ phận gián tiếp tại bệnh viện nhi Đồng Nai cũng chịu nhiều áp lực công việc, trong khi mức thu nhập thấp. Ảnh: Hà Anh Chiến
Nhân viên bộ phận gián tiếp tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai cũng chịu nhiều áp lực công việc, trong khi mức thu nhập thấp. Ảnh: Hà Anh Chiến

Trong năm 2021, Bệnh viện Nhi Đồng Nai có 95 người nghỉ việc. Trong đó, có 18 bác sĩ, 17 nhân viên kế toán, 35 điều dưỡng, còn lại là 25 là kỹ thuật viên X-quang, kỹ thuật viên xét nghiệm…

"Trước giờ, chúng ta chỉ lưu tâm tới việc bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc, nhưng hiện nay các nhân viên kế toán của bệnh viện vì lương thấp, không có thu nhập tăng thêm khác mà phải làm nhiều việc, áp lực tăng cao nên cũng nghỉ việc rất nhiều. Do đó, bệnh viện thiếu nhân lực "toàn tập" từ bộ phận chuyên môn như bác sĩ tới các bộ phận gián tiếp…" - bác sĩ Đa Hà chia sẻ.

Bác sĩ Hà cũng lý giải thêm, do thời điểm dịch bệnh COVID-19, nhân viên y tế phải làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao nên nhiều người áp lực. Bộ phận tài chính kế toán mặc dù là bộ phận gián tiếp nhưng cũng phải gồng gánh thêm các công việc như: Thực hiện các chế độ chính sách cho người bệnh, nhân viên y tế. Rồi còn phải trực tiếp xuống khu điều trị bệnh để khảo sát tiền ăn của bệnh nhân nên nguy cơ lây nhiễm rất cao…

Bác sĩ nghỉ việc - thiệt thòi cho hệ thống y tế nhà nước

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà cho rằng, nguyên nhân của tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc chủ yếu vẫn là vấn đề thu nhập thấp. Theo bác sĩ Hà phân tích, bác sĩ ra trường chỉ nhận được mức hệ số lương 2,34 nhân với mức lương cơ bản là 1.490.000 đồng thì chưa được 4 triệu đồng, cộng thêm với tiền trực, tiền ưu đãi ngành thì được khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra, không còn khoản nào khác.

Bác sĩ bệnh viện công tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 tại bệnh viện đa khoa Đồng Nai, luôn phải mặc đồ bảo hộ kín mít và nóng bức. Ảnh: Hà Anh Chiến
Bác sĩ bệnh viện công tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai luôn phải mặc đồ bảo hộ kín mít và nóng bức. Ảnh: Hà Anh Chiến

Nhất là đối với những người có chứng chỉ hành nghề, sự chênh lệch giữa hệ thống bệnh viện công - tư rất rõ rệt. Nếu bác sĩ ở bệnh viện công có thâm niên 5-10 năm chỉ có mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng thì ở hệ thống tư nhân sẽ gấp 3 - 4 lần.

Nhiều lãnh đạo bệnh viện công tiếc nuối khi các bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc phần lớn là lực lượng “vàng”, có tay nghề cao mà bệnh viện đã mất nhiều năm đào tạo mới có được. 

"Trước mắt, chúng tôi cũng động viên những người còn lại cố gắng gồng gánh, bám trụ qua thời điểm khó khăn hiện nay, rồi đào tạo các bác sĩ kế cận. Tuy nhiên, những người mới vào sẽ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc và áp lực lại đè lên vai những người ở lại. Và vòng luẩn quẩn, công việc nhiều, lương thấp rồi xin nghỉ có lẽ sẽ vẫn tiếp diễn" - bác sĩ Hà nói.

Còn tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là nơi điều trị cho những bệnh nhân nặng. Khoa có 20 giường bệnh và luôn trong tình trạng kín chỗ, thậm chí còn phải gửi bệnh nhân nằm ở nhiều khoa khác. Dù vậy, khoa chỉ có 10 bác sĩ và 23 điều dưỡng. Nếu như trước dịch, một đêm trực có 2 bác sĩ chăm sóc điều trị 20 bệnh nhân thì nay chỉ còn một người.

Trong năm 2021, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã có khoảng 100 nhân viên y tế nghỉ việc bao gồm cả biên chế lẫn hợp đồng. Trong  đó, có khoảng 29 bác sĩ và 30 điều dưỡng, còn lại là các vị trí kỹ thuật viên hay các vị trí khác… Con số này cao hơn so với năm 2020. Điều đáng nói là các bác sĩ và điều dưỡng xin nghỉ việc phần lớn đều đã được đào tạo bài bản, có chuyên môn lẫn cả kinh nghiệm.

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - cho biết, nhiều bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đã chuyển ra ngoài làm để hưởng mức thu nhập cao hơn.

Theo bác sĩ Tuấn, đây là câu chuyện “muôn thủa”, khi bệnh viện công vừa đào tạo được một bác sĩ, học chuyên khoa xong là họ nghỉ việc ngay, còn các bệnh viện tư thì không đào tạo, chỉ trả lương cao là bác sĩ chuyển qua làm. Điều này gây thiệt thòi nhất là y tế nhà nước. Các bệnh viện nhà nước khi luôn phải làm nhiều công việc chăm lo sức khoẻ cho người dân nhưng còn phải phải đau đầu lo lắng về vấn đề nhân lực, đặc biệt là trước làn sóng hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh như hiện nay.

Về vấn đề này, bác sĩ Tuấn cho rằng, cần có cơ chế để tăng thu nhập cho bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế. Còn trước mắt các bệnh viện phải tự tìm cách để tăng thu nhập, giữ chân bác sĩ…

HÀ ANH CHIẾN