Điện Biên: Triển khai hiệu quả công tác trồng rừng
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:29, 24/03/2022
Trước thực trạng đó, Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai những giải pháp kịp thời ứng phó với các hiện tượng thời tiết do BĐKH gây ra, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Nhận thức sâu sắc ảnh hưởng của BĐKH tác động xấu đến các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và nuôi thủy sản, trong vài năm trở lại đây, UBND tỉnh Điện Biên đã giao cho ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ và người dân về những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của BĐKH với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân tích cực nhận khoán, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng nhằm nâng cao chất lượng rừng và tỷ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Điện Biên đã huy động nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương để triển khai các dự án thành phần trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng đệm, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, tăng suất đầu tư của các hộ cá nhân, tổ chức tham gia trồng rừng phòng hộ và đặc dụng; đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học thông qua việc giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng rừng, nhận khoanh nuôi và bảo vệ rừng cũng được chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm; điều đó đã giúp Điện Biên nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh từ 38,5% (năm 2016) đến nay đạt 42,96% (tăng 0,3% so với năm 2020, tương đương tăng 2.826,56ha); số vụ vi phạm lâm luật giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2020; công tác quản lý quy hoạch 3 loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, quản lý rừng ngoài quy hoạch được quản lý chặt chẽ.
Ông Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: “Năm 2021, UBND tỉnh giao các địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng mới rừng phòng hộ với diện tích khoảng 150ha, trong đó các huyện: Điện Biên 20ha, Tuần Giáo 45ha, Mường Chà 35ha và Mường Ảng 50ha. Nguồn vốn thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh chi khoảng 10 tỷ đồng. Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích rừng chưa giao để triển khai thực hiện giao theo kế hoạch số 2783/KH-UBND của UBND tỉnh. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về bảo vệ, phát triển rừng, đặc biệt là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các tổ chức, cá nhân nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Đây là một trong những giải pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất để ứng phó biến đổi khí hậu ở Điện Biên”.
Ngoài những chính sách của tỉnh, Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên là đơn vị tiếp nhận và quản lý nguồn vốn ủy thác của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng, triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho gần 160.000ha diện tích rừng, đạt trên 50%. Chính sách này đã giúp cho người dân có thể sống được nhờ rừng, là một trong những gói chính sách kích cầu làm gia tăng tỷ lệ che phủ rừng ở Điện Biên.
Việc khoanh nuôi tái sinh rừng không chỉ tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường, mà người dân tham gia khoanh nuôi tái sinh cũng có thu nhập từ rừng khoanh nuôi bằng nhiều nguồn với các mức hỗ trợ khác nhau. Qua các chính sách khuyến khích phát triển rừng khoanh nuôi tái sinh đã mang lại lợi ích kép cho người dân cũng như cho địa phương. Bởi vậy, Điện Biên ngày càng có nhiều hộ dân chuyển đổi từ sản xuất nương sang khoanh nuôi tái sinh rừng. Nhờ đó, diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh ở Điện Biên ngày càng tăng.
Nếu như năm 2015, Điện Biên có hơn 52.000ha rừng được khoanh nuôi tái sinh thì đến nay có trên 110.000ha. Trung bình mỗi năm, số diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh toàn tỉnh tăng khoảng 11.600ha. Tính riêng năm 2020, toàn tỉnh trồng được hơn 500ha rừng các loại và năm 2021, phấn đấu trồng 1.150ha, trong đó bao gồm: rừng phòng hộ 150ha, rừng sản xuất và trồng cây mắc ca: 1.000ha. Phấn đấu đưa tỷ lệ che phủ rừng tăng thêm 0,3%, (từ 42,6% năm 2020 lên 42,9% năm 2021).
Từ những diện tích rừng không ngừng được tăng lên, phủ xanh đất trống đồi trọc, một số con suối trước đây cạn trơ đáy giờ đã bắt đầu có nước trở lại. Hiện tượng mưa lũ ở Điện Biên vài năm trở lại đây xảy ra rất ít, và có thì mức độ thiệt hại cũng không nặng nề như 5 năm trở về trước. Lũ ống lũ quét giảm rõ rệt. Những khu vực cắm biển cảnh báo có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá… như khu vực bản Tâu, bản Co Pục xã Hua Thanh, huyện Điện Biên hơn chục năm nay cũng không xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét.
Có thể thấy, công tác phát triển rừng ở Điện Biên đã, đang đi đúng hướng; vừa đảm bảo đời sống của người dân, vừa cân bằng hệ sinh thái, đặc biệt trong việc ứng phó BĐKH và phòng, chống thiên tai.