Xung đột Nga - Ukraine về đâu sau 1 tháng chiến sự rung chuyển thế giới?
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:12, 24/03/2022
XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE VỀ ĐÂU SAU 1 THÁNG CHIẾN SỰ RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI?
Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa tìm ra lối thoát sau một tháng chiến sự, bất chấp nỗ lực đàm phán và cuộc chạy đua ngoại giao của các bên nhằm tháo ngòi căng thẳng.
Ngày 24/2, Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Sau một tháng, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt và chưa có lối thoát rõ ràng cho cuộc xung đột làm rung chuyển châu Âu.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã đưa ra nhận định về cuộc khủng hoảng tại Ukraine sau một tháng xung đột.
4 tuần chiến sự
Nhận định về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, ông Phạm Quang Vinh đã chỉ ra 3 điểm nổi bật.
Thứ nhất, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự toàn diện cả đường bộ, đường không, đường biển, ở cả các hướng khác nhau đối với Ukraine. Chiến sự diễn ra ở nhiều thành phố của Ukraine, trong đó có cả thủ đô Kiev và vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Cùng với chiến sự là cuộc khủng hoảng nhân đạo với gần 4 triệu người Ukraine phải rời bỏ đất nước để tị nạn ở nước khác và hơn 10 triệu người di tản khỏi nơi ở của mình. Đây là thách thức và hệ lụy rất lớn của cuộc chiến.
Thứ hai, chiến sự đang diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau tại Ukraine, nhưng đồng thời cũng xuất hiện những kênh đối thoại nhằm tìm ra giải pháp thương lượng, dù chưa mang lại kết quả rõ rệt. Đây là tín hiệu tích cực mà các bên có thể trông chờ.
Thứ ba, nếu trước đây một số quan điểm cho rằng Nga sẽ "đánh nhanh thắng nhanh" khi đưa quân vào Ukraine, thì rõ ràng bây giờ, Nga vừa triển khai chiến dịch, vừa mở kênh thương lượng, hay nói cách khác Moscow vừa bao vây gây sức ép, vừa tìm giải pháp chính trị với Ukraine.
Mục tiêu của Nga
Khi triển khai chiến dịch tại nước láng giềng, Nga đã đặt ra nhiều mục tiêu đối với Ukraine như phi quân sự hóa, chống phát xít hóa, bảo đảm trung lập, trong đó có yêu cầu không gia nhập NATO, không đặt căn cứ quân sự nước ngoài, sửa đổi hiến pháp, công nhận Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập của 2 nước cộng hòa ly khai ở Donbass…
Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, trong số các mục tiêu trên, có các mục tiêu Nga đã đạt được về quân sự, nhưng cũng có những mục tiêu không chỉ giải quyết bằng quân sự. Ví dụ, Nga đã sáp nhập và kiểm soát Crimea, công nhận độc lập của 2 nước cộng hòa ly khai ở Đông Ukraine, triển khai chiến dịch kiểm soát Donbass, nhưng việc Ukraine có công nhận Crimea thuộc Nga hoặc công nhận độc lập của 2 vùng lãnh thổ ly khai như yêu cầu của Nga hay không lại cần sự kết hợp giữa giải pháp quân sự và giải pháp chính trị.
Về mục tiêu phi quân sự hóa, Nga công bố phá hủy 1.000 cơ sở quân sự chính của Ukraine. Tuy nhiên, yêu cầu phi quân sự hóa của Nga đối với Ukraine còn bao gồm việc không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài đặt trên lãnh thổ Ukraine hay yêu cầu Ukraine duy trì sự trung lập, không tham gia NATO. Những yêu cầu này đòi hỏi Ukraine phải thông qua thể chế của mình để quyết định, chứ không chỉ giải quyết bằng giải pháp quân sự.
"Đối với những mục tiêu đặt ra, có những mục tiêu Nga đã đạt được như kiểm soát Crimea, kiểm soát Donbass, phá hủy các căn cứ và cơ sở quân sự của Ukraine. Nhưng với những mục tiêu không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự, Nga vẫn chưa đạt được. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, bất cứ thỏa thuận nào với phía Nga nhằm chấm dứt xung đột cũng cần thông qua trưng cầu dân ý. Như vậy, trong trường hợp này, cần có cả giải pháp chính trị", ông Phạm Quang Vinh nhận định.
Cơ hội đàm phán
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay vẫn bế tắc. Trước khi chiến sự nổ ra, những yêu cầu của Nga đối với Ukraine đã rất khó để có thể đạt được, như việc trung lập hóa, phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraine, việc Ukraine phải công nhận Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập của 2 vùng ly khai ở Donbass.
Trong khi xung đột vẫn đang nổ ra và có thể còn kéo dài, các bên mới chỉ đưa lập trường cơ bản về phía nhau, nhưng những lập trường đó vẫn còn xa nhau và cần có một quá trình để các bên có thể đi đến thống nhất.
Tuy vậy, đàm phán Nga - Ukraine vẫn có những dấu hiệu tích cực. Khi Nga yêu cầu Ukraine không gia nhập NATO, phía Ukraine đã có những tín hiệu cho thấy sự xuống thang bằng cách thể hiện rằng, họ có thể ngừng nguyện vọng tham gia NATO. Ukraine để ngỏ khả năng không gia nhập NATO, nhưng vẫn yêu cầu sự đảm bảo từ cộng đồng quốc tế về việc không bị tấn công trong tương lai.
Liên quan tới những yêu cầu chủ yếu từ phía Nga, có những tín hiệu nhân nhượng giữa hai bên, nhưng cũng có những vấn đề rất phức tạp mà chưa chắc thu hẹp được khoảng cách giữa Nga và Ukraine như vấn đề chủ quyền lãnh thổ (Crimea, Donbass). Có những vấn đề không chỉ liên quan đến Nga - Ukraine, mà còn liên quan đến quan hệ giữa các cường quốc, giữa Nga, Ukraine với châu Âu. Những điều này làm cho quá trình thương lượng trở nên khó khăn hơn.
"Ngay lúc này, sau 4 vòng đàm phán, nút thắt khó khăn nhất vẫn là yêu cầu do 2 bên đưa ra, đặc biệt là yêu cầu của Nga với Ukraine, trong đó có nhiều vấn đề mà 2 bên không thể đi đến thỏa thuận", ông Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Phản ứng của Mỹ và NATO
Cựu Đại sứ Phạm Quang Vinh đưa ra 4 điểm cần chú ý trong phản ứng của Mỹ và NATO đối với chiến dịch quân sự của Nga.
Thứ nhất, khi xung đột nổ ra, Mỹ và NATO đã lên án chiến dịch quân sự của Nga, coi đây là hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia độc lập. Cùng với đó, Mỹ và NATO đã áp đặt lệnh cấm vận nhanh, mạnh và toàn diện nhất về kinh tế thương mại đối với Nga, bên cạnh sự cô lập về chính trị.
Thứ hai, Mỹ và NATO cung cấp vũ khí phòng vệ và vật lực để hỗ trợ Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.
Thứ ba, Mỹ và NATO tuyên bố rằng họ muốn tránh đụng độ trực tiếp với Nga tại Ukraine. Nếu đụng độ trực tiếp xảy ra, chiến tranh tại Ukraine có thể mở rộng, thậm chí lan ra toàn châu Âu hoặc biến thành chiến tranh thế giới.
Thứ tư, NATO vẫn củng cố phòng vệ ở biên giới phía đông của khối như ở các nước Ba Lan, Baltic.
"Dù áp lệnh cấm vận Nga chặt chẽ đến đâu, Mỹ và NATO vẫn muốn tránh đụng độ quân sự trực tiếp với Nga. Mỹ và NATO đã thể hiện rõ lập trường này, còn phía Nga dường như cũng hiểu và tránh điều đó", ông Phạm Quang Vinh cho biết.
Ukraine muốn lập vùng cấm bay, nhưng cả Mỹ và NATO đều không sẵn sàng chấp thuận đề xuất này. Phương Tây muốn tránh kịch bản đối đầu trực diện, mặc dù vẫn cung cấp vũ khí cho Ukraine để phòng vệ trên bầu trời.
Ông Phạm Quang Vinh cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh đã "cô lập được Nga". Trừng phạt kinh tế thương mại của Mỹ và NATO đối với Nga được triển khai mạnh mẽ, nhanh chóng và mang tính đặc thù, thậm chí chưa từng có tiền lệ.
Phương Tây đã nhắm mục tiêu vào khả năng của Nga trong việc giao dịch, buôn bán và thanh toán với thế giới, bao gồm dự trữ ngoại tệ, tiếp cận ngoại tệ mạnh và tham gia hệ thống thanh toán toàn cầu. Tất cả biện pháp này khiến cho nước Nga gặp nhiều khó khăn hơn, máy bay Nga không thể cất cánh ra nước ngoài, đồng rúp chao đảo và phá giá, thị trường chứng khoán đóng cửa, khả năng của Nga trong việc sử dụng ngoại tệ và nguồn dự trữ tài chính để tham gia giao dịch thương mại với nước ngoài cũng rất khó khăn.
Nhiều nước châu Âu trước đây giữ thái độ vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với Nga thì nay đã có sự chuyển biến, trong đó đáng chú ý nhất là Đức. Đức không phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 2 với Nga, loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu. Đức cũng thay đổi hẳn chính sách quốc phòng, nâng ngân sách quốc phòng vượt mức 2% GDP. Từ sau Thế chiến 2 đến nay, lần đầu tiên Đức cung cấp khí tài cho một bên trong xung đột là Ukraine. Đây là sự chuyển đổi lớn vì Đức từ trước đến nay vẫn được xem là cầu nối Đông - Tây. Nhiều nước trước đây giữ thái độ trung lập như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan, thì bây giờ họ cũng tỏ thái độ bất bình với chiến dịch quân sự của Nga và chấp nhận thực hiện theo lệnh cấm vận chung của EU và các nước.
Kịch bản tiếp theo
Ông Phạm Quang Vinh cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể được giải quyết bằng việc phối hợp cả giải pháp chính trị và giải pháp quân sự.
Chiến sự Nga - Ukraine tuy vẫn chưa chấm dứt, nhưng đã xuất hiện đối thoại, bao gồm các khung thỏa thuận về những vấn đề mà cả 2 bên cùng quan tâm và bàn bạc, trong đó vấn đề cốt lõi là sự trung lập của Ukraine và một số vấn đề khác.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Vinh, không phải vấn đề nào cũng giải quyết được bằng quân sự. Trong trường hợp Nga giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev và tạo ra chính phủ mới ở đây, Nga có thể bị sa lầy và phải tiếp tục duy trì lực lượng ở Ukraine, điều này không có lợi cho Nga.
Một kịch bản có thể xảy ra là chiến sự vẫn diễn biến phức tạp, nhưng các bên đều nhận thấy sự tổn thất và đối mặt sức ép cần chấm dứt xung đột, tìm giải pháp chính trị. Khi đó, mặc dù chiến sự chưa chấm dứt, nhưng các bên vẫn mở cánh cửa đàm phán thương lượng.
Khi chiến sự nổ ra, cả Nga và Ukraine đều bị ảnh hưởng và tất cả các cuộc đối thoại cho thấy cả 2 bên đều cần một giải pháp chính trị, dù giao tranh chưa chấm dứt. Các nước bên ngoài cũng có nhiều động thái, chẳng hạn Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều có thông điệp tác động qua lại để khai thông bế tắc trong đối thoại Nga - Ukraine.
"Tuy nhiên, những vấn đề đặt trên bàn thương lượng còn rất phức tạp. Ngoài yêu cầu Ukraine không gia nhập NATO được cho là có lối thoát, các vấn đề còn lại rất khó thương lượng", ông Phạm Quang Vinh nhận định.
Chiến sự vẫn xảy ra, thương lượng cũng tiếp tục nhưng phải đi từng bước, và điều mong muốn nhất là 2 bên ít nhất có được lệnh ngừng bắn dù là tạm thời. Có thể có một số điều kiện đi kèm để đạt được lệnh ngừng bắn, từ đó tìm ra giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột. Giải pháp này có tính tới lợi ích của Nga, Ukraine và không gian chung về an ninh của châu Âu.
Đại sứ Phạm Quang Vinh đã chỉ ra bài học dành cho các nước nhỏ trong ứng xử với nước lớn sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Các nước lớn luôn tính toán theo lợi ích riêng của mình và trong chính trị cường quyền của các nước lớn, họ luôn vì lợi ích của mình. Do vậy, các nước nhỏ, dù ở khu vực nào, cũng phải rất cảnh giác.
Các nước nhỏ không nên để rơi vào "bẫy" cạnh tranh của các nước lớn đến mức không thể tự quyết định vận mệnh của mình, mà để nước khác quyết định vận mệnh như trường hợp cuộc chiến Nga - Ukraine hiện nay.
Các nước nhỏ phải tự xây dựng tiềm lực sức mạnh và đoàn kết nội bộ, như vậy mới có thể đứng vững trước các thách thức khi sự cố xảy ra. Mọi sự trợ giúp từ bên ngoài có thể đóng vai trò hỗ trợ, nhưng bản thân các nước nhỏ phải tự lực tự cường và đoàn kết.
Phải thượng tôn luật pháp quốc tế, đa dạng hóa quan hệ, đan xen lợi ích giữa các nước, hợp tác với các đối tác dựa trên luật pháp quốc tế để không phải chọn bên, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, hợp tác khu vực, tiểu khu vực để qua đó có thể hiểu biết đối thoại lẫn nhau, khi có sự cố phải đối thoại để tránh chiến tranh mà vẫn đảm bảo nguyên tắc của mình.
24/03/2022