Tin thế giới 23/3: Nga cảnh báo hành động liều lĩnh; Ba Lan tính 'chơi lớn' với Nga; tìm ra vật quan trọng trong vụ rơi máy bay Trung Quốc

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:14, 23/03/2022

Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, Quốc hội Nga thông qua luật mới liên quan chiến dịch quân sự, Ba Lan làm căng với Nga, cập nhật tình hình máy bay rơi ở Trung Quốc là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Tin thế giới 23/3: Nga tung luật mới giữa chiến dịch; Ba Lan 'chơi lớn' nhắm vào Nga; tìm ra vật quan trọng trong vụ rơi máy bay Trung Quốc
Đại sứ quán Nga tại Ba Lan. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga-Ukraine đạt được đồng thuận về 9 hành lang nhân đạo: Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk thông báo, ngày 23/3, nước này đã đạt được thỏa thuận với Nga để cố gắng sơ tán dân thường bị mắc kẹt tại các thị trấn và thành phố ở quốc gia Đông Âu này qua 9 "hành lang nhân đạo".

Tuy vậy, quan chức này báo hiệu việc hai bên không đạt thỏa thuận nào về thiết lập một hành lang an toàn từ trung tâm thành phố Mariupol. Theo bà Vereshchuk, những người muốn rời thành phố cảng bị bao vây này sẽ phải tìm phương tiện giao thông ở Berdyansk gần đó. (Reuters)

* Nga nói về hành động liều lĩnh: Ngày 23/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, bất kỳ sự đụng độ nào giữa quân đội Nga và các lực lượng NATO có thể gây ra hậu quả thảm khốc.

Theo ông Peskov, ý tưởng được đưa ra hồi tuần trước của Ba Lan muốn triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine là liều lĩnh và cực kỳ nguy hiểm.

Ông Peskov cũng khẳng định, chiếm đóng Ukraine không phải là mục tiêu của Nga.(Reuters)

* Nga cảnh báo việc chuyển vũ khí cho Ukraine đe dọa an ninh toàn cầu: Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, việc chuyển vũ khí và lính đánh thuê tới Ukraine là những chính sách "vô trách nhiệm và hết sức nguy hiểm".

Bộ phận báo chí của Đại sứ quán Nga dẫn lời Đại sứ Antonov nói trên kênh Telegram rằng: "Quân sự hóa Ukraine trực tiếp đe dọa tới an ninh châu Âu và toàn cầu". (TASS)

* Nga cáo buộc Mỹ cản trở đàm phán với Ukraine: Ngày 23/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Mỹ muốn cản trở đàm phán giữa Moscow với Kiev nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần một tháng nay.

Theo ông, "cuộc đàm phán diễn ra gay go, phía Ukraine liên tục thay đổi lập trường. Thật khó để xóa đi ấn tượng rằng, các đồng nghiệp Mỹ đang 'cầm tay chỉ việc' họ".

Nhà ngoại giao đồng thời cáo buộc Washington "dường như muốn kìm kẹp chúng ta trong trạng thái thù địch càng lâu càng tốt" và việc Nga-Ukraine nhanh chóng hoàn tất tiến trình đàm phán sẽ gây bất lợi cho Mỹ.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, mục đích của các biện pháp trừng phạt gần đây do phương Tây áp đặt đối với Moscow là nhằm loại bỏ Nga, từ đó xây dựng một thế giới đơn cực mà Mỹ là quốc gia có chủ quyền và chi phối duy nhất. (AFP, Sputnik)

* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị Nhật Bản tăng sức ép trừng phạt Moscow bằng cách áp đặt lệnh cấm vận thương mại đối với hàng hóa Nga.

Đề nghị được đưa ra trong bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Nhật Bản ở Tokyo ngày 23/3, trong đó, Tổng thống Zelensky cảm ơn Nhật Bản đi đầu trong việc lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine và đưa ra các biện pháp trừng phạt.

Trước đó, Kiev cũng kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. (Reuters, Kyodo)

* Tokyo cân nhắc áp đặt thêm lệnh trừng phạt Nga, theo lời Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sau khi lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Ukraine tại Quốc hội ở Tokyo.

Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, ông duy trì quyết tâm không dung thứ cho hành động "liều lĩnh" của Nga ở Ukraine, đồng thời khẳng định mong muốn mở rộng hoạt động viện trợ nhân đạo cho Ukraine. (Kyodo)

* Thủ tướng Italy Mario Draghi kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đồng thời nên "tham gia có trách nhiệm" vào các nỗ lực mang lại hòa bình cho Ukraine.

Phát biểu trước Quốc hội Italy, Thủ tướng Draghi cũng cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra không mặn mà với việc đồng ý một lệnh ngừng bắn có thể giúp các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột thành công.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Italy nhận định, ông Putin dường như tập trung vào việc đảm bảo kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn sau gần một tháng diễn ra chiến dịch quân sự, theo đó, “kế hoạch của Nga dường như là nhằm đạt được thắng lợi quân sự". (Reuters)

* Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, chiến dịch quân sự của Nga "đình trệ", đồng thời thúc giục Moscow "ngay lập tức" chấm dứt giao tranh.

Nhà lãnh đạo Đức cho biết, các biện pháp trừng phạt chưa từng có mà Moscow đang hứng chịu đã gây thiệt hại cho kinh tế Nga, song đó "mới chỉ là sự khởi đầu, những hậu quả tàn khốc nhất sẽ được thấy trong những tuần tới", đồng thời cảnh báo "chúng tôi liên tục tạo ra các biện pháp trừng phạt".

Theo ông Scholz, Tổng thống Putin "cần lắng nghe sự thật" rằng chiến tranh không chỉ gây thiệt hại cho Ukraine mà còn cả "tương lai của Nga".

Khẳng định Đức luôn đứng về phía Kiev, tuy nhiên, Thủ tướng Scholz sẽ không tán thành lời kêu gọi của Tổng thống Zelenky về việc NATO giúp thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine hoặc triển khai "đội quân gìn giữ hòa bình".

Đức cũng nhấn mạnh rằng sẽ không để xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO. (AFP)

* Israel chính thức đưa bệnh viện dã chiến tại Ukraine vào hoạt động vào ngày 22/3 tại thị trấn Mostyska thuộc tỉnh Lviv, nhằm hỗ trợ cho các nạn nhân của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Bệnh viện này được dựng lên trong khuôn viên một trường tiểu học và dự kiến sẽ hoạt động trong khoảng 1 tháng.

Nga

* Quốc hội Nga thông qua luật liên quan quân nhân tham gia chiến dịch quân sự: Trong phiên họp toàn thể ngày 23/3, Hạ viện Nga nhất trí thông qua ngay lập tức trong lần đọc đầu tiên dự luật công nhận những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là các cựu chiến binh.

Sáng kiến nói trên đã được các đại biểu thuộc đảng Nước Nga Thống nhất, đứng đầu là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Andrey Turchak đệ trình lên Hạ viện ngày 22/3.

Theo ông Turchak, những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ được hưởng các chế độ chính sách trong hệ thống bảo trợ xã hội, giống như các cựu chiến binh từng hoạt động ở Afghanistan, Syria và nhiều điểm nóng khác.

Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga Andrey Kartapolov khẳng định, luật này nhằm thể hiện rằng, cả nước Nga ủng hộ những người tham gia Chiến dịch quân sự đặc biệt.

* Ba Lan trục xuất khoảng 40 nhà ngoại giao Nga, theo thông tin đăng tải trên cổng thông tin Onet của Ba Lan, dẫn các nguồn chính phủ nước này.

Onet nêu rõ: "Các nhà chức trách Ba Lan đã quyết định trục xuất khoảng 40 nhà ngoại giao Nga khỏi Ba Lan vì hoạt động của họ không phù hợp với tư cách một nhà ngoại giao, nói theo ngôn ngữ của ngành ngoại giao có nghĩa là hoạt động gián điệp".

Theo số liệu trên trang web Đại sứ quán Nga, hiện có hơn 50 nhà ngoại giao nước này đang làm việc tại Ba Lan.

Theo Onet, Đại sứ Nga tại Warsaw Sergei Andreev đã được triệu tới Bộ Ngoại giao Ba Lan vào sáng 23/3 để đề cập vấn đề này, theo đó, danh sách các nhà ngoại giao Nga mà chính quyền Ba Lan coi là đang thực hiện các hoạt động trên lãnh thổ Ba Lan trái với Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao, gồm khoảng 40 người. Trong số đó có nhân viên Đại sứ quán Nga ở Warsaw.

Hãng thông tấn RIA dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Nga cho hay, nước này sẽ trả đũa động thái trên của Ba Lan. (Sputnik, Reuters)

* Nga rút khỏi Hiệp hội Công tố viên quốc tế: Ngày 23/3, Văn phòng Tổng công tố Nga tuyên bố đã rút khỏi Hiệp hội Công tố viên quốc tế (IAP).

Tuyên bố nêu rõ, Tổng Công tố Nga Igor Krasnov đã gửi một bức thư cho Tổng Thư ký IAP Han Moraal về việc trên.

Trách nhiệm về những hậu quả tiềm tàng khi Nga rút khỏi IAP hoàn toàn thuộc về lãnh đạo của tổ chức này. (Sputnik)

* Nga tuyên án tù nhân vật đối lập Navalny, Mỹ-EU lập tức lên tiếng: Ngày 22/3, một tòa án Nga đã tuyên án 9 năm tù đối với người chỉ trích Điện Kremlin Alexei Navalny về tội gian lận, đồng thời phạt hành chính 1,2 triệu Ruble (11.535 USD).

Liên minh châu Âu (EU) cùng Mỹ đã lên tiếng chỉ trích phán quyết của tòa án Nga. (Reuters, AFP)

Vụ rơi máy bay Trung Quốc: Tìm thấy hộp đen ghi âm buồng lái

Ngày 23/3, người phát ngôn Cơ quan Hàng không Trung Quốc thông báo đã tìm thấy hộp đen chứa dữ liệu ghi âm buồng lái của chiếc máy bay thuộc hãng hàng không China Eastern bị rơi trước đó hai ngày.

Hộp đen máy bay chính là "chìa khóa" để có thể lý giải nguyên nhân chiếc máy bay chở 132 người đột ngột đâm đầu lao thẳng xuống núi với vận tốc kinh hoàng - gần 600 km/h. Tai nạn thương tâm của chuyến bay được nhận định là "rất bất thường" và hi hữu. Cho đến nay, chưa tìm thấy người sống sót sau vụ tai nạn.

Trong khi đó, Giám đốc Văn phòng an toàn hàng không thuộc Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) Zhu Tao cho biết, hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về nguyên nhân vụ tai nạn. (AFP)

Ấn Độ-Trung Quốc: Tín hiệu sáng

Dự kiến, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến New Delhi vào ngày 24/3 trong chuyến thăm Ấn Độ kéo dài hai ngày.

Các nguồn tin khá kín tiếng về việc liệu chuyến thăm có dẫn đến một giải pháp cho tình trạng đối đầu giữa các lực lượng hai nước ở biên giới hay không, nhưng cho biết, động thái này sẽ mở đường cho việc Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đến thăm Bắc Kinh để tiến hành các cuộc đàm phán thực chất hơn.

Theo báo chí sở tại, ông Vương Nghị sẽ không chỉ gặp người đồng cấp Jaishankar mà còn có khả năng sẽ đến chào các nhà lãnh đạo của nước chủ nhà.

Trong trường hợp mọi việc suôn sẻ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể đến thăm Trung Quốc để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), có khả năng được tổ chức sau Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Ấn-Trung (RIC). Trung Quốc giữ chức Chủ tịch luân phiên hai nhóm này trong năm 2022.

Ông Vương Nghị sẽ bay thẳng đến Ấn Độ từ Pakistan, nơi ông làm khách mời chính của Hội nghị cấp bộ trưởng Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Với động thái như vậy, New Delhi dường như đã từ bỏ lập trường bấy lâu rằng, một quan chức nước ngoài không nên kết hợp chuyến thăm Ấn Độ với chuyến thăm Pakistan.

Hoàng Hà