Vì sao nhà giàu Trung Quốc cho con đi du học nhưng kéo về nước lập nghiệp?

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:02, 23/03/2022

Vẫn tin tưởng vào nền giáo dục phương Tây, nhưng phụ huynh Trung Quốc có xu hướng kéo con về nước lập nghiệp sau khi hoàn thành chương trình học.

Giới nhà giàu Trung Quốc tiếp tục tin tưởng vào nền giáo dục phương Tây trong giai đoạn hậu Covid-19, song họ kỳ vọng con cái sẽ trở về sau khi hoàn thành chương trình học để lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương.

Đây là thông tin trong Sách Trắng về Giáo dục Quốc tế ở Trung Quốc năm 2021 mới được công bố hôm 22/3. Theo báo cáo, những gia đình giàu có ở Trung Quốc đánh giá cao chất lượng giáo dục ở phương Tây như “lối suy nghĩ độc lập”, và nền tảng này sẽ mang lại tương lai tươi sáng hơn cho con em họ tại Trung Quốc.

Vì sao nhà giàu Trung Quốc cho con đi du học nhưng kéo về nước lập nghiệp?
Nhà giàu Trung Quốc có xu hương cho con đi du học nhưng kéo về nước lập nghiệp. (Ảnh: SCMP)

Báo cáo được Viện Nghiên cứu Hurun và Tổ chức Giáo dục Beanstalk cùng thực hiện dựa trên kết quả điều tra 600 công dân Trung Quốc có khối tài sản ít nhất là 10 triệu nhân dân tệ (1,57 triệu USD). Đây là những người có ý định cho con đi du học hoặc họ từng là du học sinh.

Khoảng 60% trong số những người tham gia cuộc điều tra cho biết họ từng đi du học và cảm thấy “hài lòng” với trải nghiệm của bản thân. Đáng nói, 1/3 khẳng định họ “vô cùng hài lòng” khi được đi du học.

Về nguyên nhân cho con đi du học, các bậc phụ huynh muốn con trẻ có lối “suy nghĩ độc lập, biết tự chịu trách nhiệm và giải quyết vấn đề”. Đây là những điều khó có thể tìm thấy trong hệ thống giáo dục nước nhà vốn chỉ quan tâm tới điểm số và bằng cấp.

Ông Rupert Hoogewerf, nhà sáng lập tổ chức Hurun Report, nhận định “Trong một cuộc điều tra gần đây về niềm hạnh phục của những cá nhân có khối tài sản lớn, những người trả lời cho hay họ hạnh phúc với cuộc sống, công việc, tài sản và sức khỏe, nhưng nhiều người bày tỏ không vui trước chuyện học hành của các con”.

Dù có kế hoạch cho con học tập ở môi trường nước ngoài, nhưng nhiều phụ huynh muốn sau khi hoàn thành chương trình học, con cái sẽ trở về đất nước.  Nguyên nhân là vì Trung Quốc được nhân định có “nhiều điều kiện thuận lợi” như triển vọng phát triển kinh tế, môi trường ưu đãi cho doanh nghiệp, con cái được ở gần gia đình, cùng những chính sách ưu tiên của chính quyền Bắc Kinh đối với du học sinh trở về nước.

“Điều hiển nhiên các bậc phụ huynh muốn con em mình có lối suy nghĩ độc lập hơn và cởi mở hơn so với các thế hệ trước”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao hợp tác với Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc.

Cũng theo ông Chu, việc cha mẹ hy vọng con cái trở về quê hương sau thời gian du học xuất phát từ giá trị văn hóa truyền thống.

“Niềm hy vọng các thế hệ trong gia đình chăm sóc lẫn nhau đã tồn tại từ xa xưa, mà đặc biệt nhiều gia đình chỉ có 1 con dưới thời Trung Quốc thi hành chính sách một con”, ông Chu nói.

Địa điểm yêu thích của các du học sinh Trung Quốc là Mỹ, Anh, Canada và Australia. Tuy nhiên, xu hướng du học sinh Trung Quốc lựa chọn theo học tại các ngôi trường ở những nước châu Âu khác, hoặc các nước tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc cũng đang gia tăng.

“Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 làm xấu thêm tình hình căng thẳng trên toàn cầu, nhưng các du học sinh sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Cùng lúc nộp đơn xin vào các trường Đại học ở nhiều nước khác nhau giúp làm tăng cơ hội được nhập học và đây đang là xu hướng mới”, báo cáo nhấn mạnh.

Cũng theo báo cáo, độ tuổi trung bình của các sinh viên Trung Quốc bắt đầu học ở nước ngoài tăng từ 18 lên 21 tuổi.

“Trong giai đoạn hậu Covid-19, các phụ huynh Trung Quốc vẫn mong muốn đưa con cái ra nước ngoài học tập, nhưng xu hướng cho con đi du học từ khi còn nhỏ đã giảm. Số lượng gia đình có kế hoạch cho con đi du học năm cấp 3 đã giảm một nửa, trong khi số gia đình cho con đi du học sau khi tốt nghiệp Đại học lại tăng gấp 8 lần so với năm 2020”, ông Hoogewerf cho biết.

Minh Thu (lược dịch)