Thu nhập không đủ sống lại chịu áp lực cao, hàng loạt bác sĩ nghỉ việc

Tin Y tế - Ngày đăng : 10:18, 23/03/2022

Đồng Nai - Theo thống kê từ các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh trong năm 2021, đã có hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, thậm chí cả kế toán bệnh viện đã nộp đơn xin nghỉ việc. Nhiều người trong số đó đã chuyển sang các bệnh viện tư tại Đồng Nai hay TPHCM để tìm môi trường làm việc tốt hơn cùng với mức thu nhập cao hơn hẳn.
Thu nhập không đủ sống lại chịu áp lực cao, hàng loạt bác sĩ nghỉ việc

Bác sĩ H đang chăm sóc và điều trị sức khoẻ cho bệnh nhân. Ảnh: Hà Anh Chiến

Phải choàng gánh nhiều việc khác ngoài chuyên môn

Tại tỉnh Đồng Nai, ngay từ những ngày đầu khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, bác sĩ H (trước đây đã có hơn 10 năm công tác tại một bệnh viện công ở Đồng Nai, hiện nay đã chuyển sang bệnh viện tư), là một trong những y-bác sĩ đầu tiên được chọn tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 và được UBND tỉnh Đồng Nai khen thưởng “nóng” vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhưng giữa năm 2021, bác sĩ H bỗng dưng nộp đơn xin nghỉ việc khiến nhiều đồng nghiệp và bệnh nhân bất ngờ.

Theo thống kê, tại các cơ sở khám chữa bệnh thuộc tuyến tỉnh ở Đồng Nai trong năm 2021, tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đã có gần 100 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cũng có khoảng 150 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng có 95 bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc. Ngoài ra, tại các bệnh viện đa khoa khu vực cũng xảy ra tình trạng bác sĩ nghỉ việc.

Bác sĩ H chia sẻ, việc nộp đơn xin nghỉ việc ở một nơi đã gắn bó hơn một thập kỷ là việc “chẳng đặng đừng”, nhưng được gia đình, người thân động viên nên anh đã nộp đơn. “Công việc áp lực, những ngày cao điểm phải trực liên tục trong bệnh viện cả tháng để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, nhiều lúc nhớ vợ, nhớ con lắm” - anh H nói.

Trong những ngày trực chiến điều trị COVID-19, ngày nào bác sĩ H cùng ekip cũng phải báo cáo việc điều trị bệnh nhân và phải hội chẩn liên tục. Mặc dù là bác sĩ trực tiếp điều trị thăm khám cho bệnh nhân nhưng mọi quyết định đều phải đề xuất xin ý kiến từ cấp trên. “Cho bệnh nhân một viên thuốc kháng sinh cũng phải có sự đồng ý từ trên” - anh H chia sẻ.

Áp lực là vậy, nhưng anh H vẫn cố gắng cùng êkip y, bác sĩ vượt qua khó khăn vì mục tiêu chung là điều trị khỏi bệnh cho các bệnh nhân COVID-19.

Theo bác sĩ H, nguyên nhân khiến anh nộp đơn xin nghỉ việc là do công việc nay đây mai đó không ổn định. Mặc dù làm việc cố định ở một bệnh viện công nhưng anh lại thường xuyên bị phân công công việc nhiều vị trí khác nhau không đúng với chuyên môn, sở trường khiến anh không phát triển được năng lực chuyên môn.

“Có thời gian, tôi được đi học nâng cao chuyên môn đặt nội khí quản, vận hành các loại máy thở dòng cao, nhưng khi về đơn vị cũng không được áp dụng khiến chuyên môn bị mai một dần” - anh H cho biết.

Còn bác sĩ C công tác tại một bệnh viện đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mới đây cũng đã xin nghỉ việc. Bác sĩ C về bệnh viện trên công tác vào năm 2018, công việc chính là chẩn đoán hình ảnh.

Bác sĩ C chia sẻ, do bệnh viện nhiều người xin nghỉ việc nên thiếu người làm. Do đó, bác sĩ C phải làm việc nhiều hơn để choàng gánh công việc do các đồng nghiệp đã nghỉ việc để lại. “Có nhiều hôm đã trực đêm rồi nhưng sáng hôm sau bệnh viện vẫn không cho nghỉ, vẫn phải làm tới chiều mới được nghỉ. Làm riết như vậy không đảm bảo sức khoẻ nên tôi xin nghỉ” - bác sĩ C nói. 

Thu nhập thấp khiến nhiều bác sĩ bỏ việc 

Chia sẻ với phóng viên báo Lao Động, vấn đề thu nhập thấp chỉ là một phần lý do khiến nhiều bác sĩ nghỉ việc. Theo bác sĩ H, do đã công tác hơn 10 năm tại bệnh viện nên có tình cảm gắn bó và muốn cống hiến lâu dài với bệnh viện để khẳng định tên tuổi. Vấn đề thu nhập tuy thấp nhưng nhờ các công việc làm thêm khác nên vẫn “tạm đủ sống”. Tuy nhiên, do luôn bị điều động choàng gánh nhiều công việc không đúng chuyên môn sở trường khiến anh chán nản.

Mặc dù công việc tại bệnh viện tư nhân cũng rất áp lực nhưng bác sĩ H cho rằng: Vì được coi trọng hơn, đặt đúng sở trường nên dù liên tục phải nâng cao chỉ tiêu công việc nhưng anh vẫn phấn đấu hoàn thành vì đó là những chỉ tiêu đúng chuyên môn nghiệp vụ giúp anh nâng cao trình độ.

Sau giờ hành chính làm việc tại bệnh viện tư, không phải làm thêm các công việc khác, anh H cũng có thời gian trực tiếp đến nhà dân để làm thêm các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà. Mặc dù phải đi nhiều hơn, vất vả hơn nhưng anh H cho hay, vẫn cảm thấy vui vì môi trường làm việc rất thoải mái.

Còn theo bác sĩ C, thu nhập thấp cũng chỉ là một trong những nguyên nhân chính khiến anh nghỉ việc. Nguyên nhân chính còn lại là do công việc áp lực, phải làm thêm nhiều công việc khác.

Bác sĩ C chia sẻ: “Bệnh viện có nhiều bác sĩ đã nghỉ việc vì lương quá thấp rồi”. Cụ thể, bác sĩ C phân tích: Thu nhập của anh chỉ gồm tiền lương hằng tháng khoảng 5 triệu đồng, cộng với tiền trực đêm một tháng được thêm khoảng 1 triệu đồng và tiền xếp loại A, B, C cuối tháng được nhận thêm 200.000 đồng, thì tổng mới hơn 6 triệu đồng/tháng, thì không đủ sống. 

Anh C còn cho biết, thậm chí nhiều bác sĩ xin nghỉ mà bệnh viện không cho nghỉ, xin đi học để nâng cao chuyên môn cũng không được. Anh C đang tự bỏ tiền đi học chuyên khoa để nâng cao trình độ và mong muốn khi học xong có thể về công tác tại bệnh viện ở Đồng Nai. Còn bác sĩ H cũng đang công tác tại một bệnh viện tư và “chung tay” với bạn bè mở phòng khám cung cấp các dịch vụ hỗ trợ điều trị COVID-19 tại nhà cho những bệnh nhân có bệnh lý nền.

HÀ ANH CHIẾN