Cảnh báo hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em do COVID-19
Tin Y tế - Ngày đăng : 13:02, 22/03/2022
Nguy cơ bị MIS-C ở trẻ mắc COVID-19
Theo tờ HealthDay, TS Pei-Ni Jone - chuyên gia tim mạch nhi tại Bệnh viện Nhi Colorado (Mỹ) cho biết MIS-C xuất hiện ở khoảng 1/3.000 bệnh nhi mắc COVID-19. Theo đó, tim là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi MIS-C và khi chức năng tim suy giảm có thể dẫn đến tổn thương thận hoặc gan.
Thông tin về hội chứng này, bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103 cho biết, theo WHO, MIS-C thường xuất hiện ở trẻ từ 0-19 tuổi vào thời điểm khoảng 2 đến 6 tuần sau khi mắc COVID-19.
Theo đó, MIS-C được chẩn đoán khi có các tiêu chuẩn: Sốt ≥ 3 ngày (sốt trên 38,5 độ C) và có 02 trong các dấu hiệu sau:
- Ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc hoặc phù nề niêm mạc miệng, phù nề bàn tay, chân;
- Hạ huyết áp hoặc sốc - bé mệt mỏi, da nhợt nhạt;
- Suy giảm chức năng tim, tổn thương màng tim, viêm màng ngoài tim, viêm mạch vành (xác định qua siêu âm tim và mạch vành), tăng proBNP, Troponin (thông qua xét nghiệm sinh hóa máu);
- Rối loạn đông máu (PT, APTT, D-dimer cao: đánh giá thời gian đông máu và tăng đông) nếu tăng cao thường gây huyết khối: đột quỵ não, tắc mạch phổi;
- Rối loạn tiêu hóa cấp tính: ỉa chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn;
Và có tăng các chỉ số viêm (CRP, máu lắng, procalcitonin) tăng; Không do các căn nguyên nhiễm trùng khác; Có bằng chứng của nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 trong vòng 2-6 tuần (xét nghiệm Real-time RT-PCR hoặc kháng thể kháng SARS-CoV-2 dương tính).
Bên cạnh đó, theo BS CKI Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Phó Khoa tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, đối với những trẻ có bệnh lý nền và độ tuổi từ 6-12 tuổi thường dễ bị MIS-C liên quan đến hậu COVID-19. Đơn cử đối với trẻ có thể trạng béo phì, khi chuyển biến nặng huyết áp sẽ bị hạ, có thể tổn thương cơ tim, ảnh hưởng đến vận động của trẻ về sau, thậm chí có thể tử vong nếu nặng hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, triệu chứng này ít gặp nhưng điều quan trọng là phải theo dõi và cấp cứu kịp thời cho trẻ.
Các biểu hiện trẻ cần đi khám
Theo bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, phụ huynh thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng dưới đây sau khi khỏi COVID-19 từ 2 đến 6 tuần cần đưa trẻ đi khám ngay:
- Sốt > 38,5 trên 3 ngày;
- Trẻ đau ngực, đặc biệt ngực trái do tổn thương tim;
- Huyết áp thấp, chóng mặt, thậm chí ngất;
- Khó thở (tần số thở nhanh theo tuổi, bé chơi đùa nhanh mệt, leo cầu thang nhanh mệt);
- Đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài;
- Ngủ kém, hay thức giấc, bé giảm tập trung, hay quên, thay đổi tâm trạng;
- Mắt đỏ, xung huyết;
- Niêm mạc họng đỏ xuất huyết, da phát ban;
- Phù tay, chân;
Theo bác sĩ Cường, đến viện các con sẽ được làm xét nghiệm sinh hóa máu, đánh giá các chỉ số viêm, chỉ số đông máu, chụp X-quang lồng ngực đánh giá phổi, siêu âm tim và mạch vành, làm điện tim,...
Cách khắc phục và giảm tác hại của MIS-C
Theo bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường - Bệnh viện Quân y 103, cha mẹ nên xây dựng chế độ ăn của con thật tốt, bổ sung nhiều nước ép hoa quả, nhiều rau xanh, các loại quả có màu sắc, uống các multivitamin.
Bên cạnh đó, chất béo có vai trò điều hòa, giảm phản ứng viêm, có trong mỡ cá, thực phẩm có Omega 3, DHA,... giảm được triệu chứng đau đầu, mệt mỏi.
Ngoài ra, phụ huynh nên chọn các loại thực phẩm giàu đạm như trứng, sữa, đạm động vật,... giúp tăng cường kháng thể và bổ sung khối cơ.
Đặc biệt, cha mẹ nên cùng con xây dựng lối sống khoa học, tập thể dục nhẹ nhàng để cơ thể dần hồi phục sau COVID-19.