TP.HCM ứng phó biến đổi khí hậu: Tăng mảng xanh
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:32, 22/03/2022
Giảm 10% phát thải khí nhà kính vào năm 2030
Trong Quyết định số 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TP.HCM được xác định phát triển không gian đô thị phù hợp với chiến lược, mô hình phát triển kinh tế biển, thích ứng BĐKH, ngập úng, triều cường, xâm nhập mặn, nước biển dâng.
Còn theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn, TP.HCM xác định nhiệm vụ ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn, bởi TP.HCM là một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng BĐKH, nước biển dâng.
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH đối với các rủi ro liên quan đến khí hậu (hạn hán, nắng nóng, mưa lớn, nước biển dâng), phòng chống rủi ro thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh lương thực, an sinh xã hội, cộng đồng lành mạnh và phát triển bền vững.
Trong đó, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Đồng thời, TP.HCM sẽ nâng cao năng lực chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng, khả năng thích ứng của hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trước tác động của BĐKH.
Trồng mới 10 triệu cây xanh
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong công tác ứng phó với BĐKH của TP.HCM đã và sẽ triển khai trong thời gian tới chính là việc bảo vệ đa dạng sinh học, tăng mảng xanh, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn.
Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN&MT công bố năm 2016: với kịch bản BĐKH trung bình, nhiệt độ của TP.HCM sẽ tăng 1,9 độ C vào năm 2100; theo kịch bản BĐKH cao, nhiệt độ của TP.HCM sẽ tăng 3,5 độ C.
Theo kịch bản ngập lụt TP.HCM, nếu nước biển dâng 100cm thì 17% diện tích TP.HCM có nguy cơ bị ngập, trong đó quận Bình Thạnh bị ngập khoảng 80,78%, huyện Bình Chánh ngập khoảng 35,43%...
Theo đó, trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM đặt mục tiêu trồng 50 ha rừng trên đất ngập nước, bãi bồi ven sông, rạch tại các tiểu khu trong rừng phòng hộ Cần Giờ; phục hồi và phát triển các hệ sinh thái rừng hiện có (Cần Giờ, Bình Chánh và Củ Chi) đặc biệt là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ nhằm giảm thiểu tác động liên quan đến triều cường và nước biển dâng.
Ngoài ra, trong Kế hoạch trồng rừng và cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh các loại, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với BĐKH, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, thành phố sẽ trồng cây xanh qua phát triển công viên, mảng xanh, cây xanh đường phố và cây xanh trong các công sở, trường học, khu dân cư là 8.341.750 cây các loại; tạo được 1.658.250 cây rừng thông qua phát triển rừng, trồng rừng tập trung, cải tạo chăm sóc, làm giàu rừng trên diện tích 1.140 ha.
Đồng thời, TP.HCM đặt mục tiêu quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp với việc nâng tỷ lệ đất có rừng lên 16% vào năm 2025 và 16,24% vào năm 2030 và duy trì ổn định tỷ lệ che phủ, nâng cao chất lượng rừng ở giai đoạn tiếp theo.
TP.HCM sẽ phát triển bền vững về môi trường sinh thái, bảo vệ những cấu trúc sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo tính chống chịu và khả năng phục hồi trước những tác động biến đổi.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, để thực hiện mục tiêu trên, TP.HCM tuyên truyền nâng cao nhận thức về các giá trị môi trường, đa dạng sinh học diện tích rừng hiện có trên địa bàn; tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân. TP.HCM sẽ phát động phong trào “mỗi người dân thành phố trồng một cây xanh”; đồng thời, huy động nguồn lực về kinh phí, lao động, việc tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Ngoài ra, trong thời gian tới TP.HCM sẽ triển khai áp dụng các chính sách cho bảo vệ phát triển rừng theo cơ chế đặc thù của thành phố như xây dựng quy chế quản lý các loại rừng; điều chỉnh tiền công khoán bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn thành phố, đảm bảo mức thu nhập cho hộ dân giữ rừng trên mức hộ nghèo; đảm bảo ngân sách đầu tư cho trồng rừng, chăm sóc rừng, cải tạo làm giàu rừng trồng; có cơ chế, chính sách cho chủ rừng là doanh nghiệp được giao thuê đất cho trồng rừng sản xuất và các ngành nghề chế biến lâm sản, gây nuôi động vật hoang dã là thế mạnh của thành phố.