Vì sao 5.000 tấn phế liệu "nằm ì" nhiều tháng trong khu đô thị?
Xã hội - Ngày đăng : 11:50, 21/03/2022
Tổng cục Môi trường chỉ đạo xử lý dứt điểm
Như đã đưa tin, hiện nay đang có khoảng 5.000 tấn phế liệu, chủ yếu là nilon "nằm ì" nhiều tháng nay trong Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình, thuộc phường Hải Tân, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương), gây mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu nhà thầu trong vòng 60 ngày phải chuyển số phế liệu này đi nơi khác. Đại diện nhà thầu cho biết, đơn vị đang đi tìm mặt bằng để thực hiện chuyển 5.000 tấn phế liệu nói trên ra khỏi khu đô thị theo yêu cầu của UBND tỉnh Hải Dương.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường - cho rằng, việc xử lý số phế liệu trên phải tuân theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
"Hiện nay hành lang pháp luật về xử lý các vấn đề liên quan đến rác thải, phế liệu,... đều có hết rồi. Nhưng theo tôi, số phế liệu này phải được xử lý dứt điểm, chứ không thể mang từ chỗ này sang chỗ khác. Vì môi trường sống của người dân ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam này đều phải được tôn trọng, chứ không riêng gì ở khu đô thị trên địa bàn TP Hải Dương", GS.TS Trần Hiếu Nhuệ nói.
Yêu cầu di dời trong 60 ngày
Theo tìm hiểu, từ năm 2019, rác thải được tập kết ở bờ đê sông Thái Bình và bên trong khuôn viên Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình, thuộc phường Hải Tân, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương). Khu vực này trước đây là bãi chôn rác của TP Hải Dương (bãi rác Soi Nam), có quy mô hơn 6 ha. Khi khu đô thị sinh thái được triển khai, theo quy hoạch có phần đất có phần đất của bãi rác Soi Nam này.
"Khi chủ đầu tư vào khảo sát để đầu tư xây dựng khu đô thị sinh thái, lẽ ra trách nhiệm xử lý bãi rác là của UBND tỉnh Hải Dương. Nhưng chủ đầu tư nhận xử lý bãi rác này, có thông qua đấu thầu, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư có giao một đơn vị phụ trách vấn đề môi trường để xử lý bãi rác đó", một lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cho biết.
Tại thời điểm khảo sát, kiểm đếm, khối lượng bãi rác trên tạm tính là 294.000 tấn, tỉnh Hải Dương hỗ trợ cho chủ đầu tư 220 tỷ đồng, thời gian xử lý bãi rác này là 36 tháng.
Đại diện đơn vị được giao xử lý bãi rác này cho biết, sau một thời gian xử lý thì khối lượng rác được xác định tăng gấp 2 lần, khoảng hơn 500.000 tấn.
"Theo phê duyệt đánh giá tác động môi trường xử lý bãi rác này, thì nilon phân loại sẽ được tái chế. Chúng tôi có lắp dây chuyền tái chế trong khuôn viên đất của dự án để tái chế và hoạt động được khoảng một năm. Tiến độ tỉnh Hải Dương phê duyệt là xây nhà đến đâu cho người dân vào ở đến đó. Do đó, khi người dân vào ở, thì không còn đủ khoảng cách từ khu dân cư đến nhà máy tái chế theo qui định, nên việc tái chế phải dừng lại", đại diện đơn vị thi công xử lý bãi rác Soi Nam cho biết.
Do việc dừng dây chuyền tái chế, nên số nilon còn lại không được tái chế, trong khi đó khối lượng tăng lên gấp đôi, khối lượng thu hồi được cũng tăng, nên mới còn tồn đọng khoảng 5.000 tấn nilon như hiện nay trong khu đô thị.
Hiện 5.000 tấn phế liệu nói trên đã qua quá trình sơ chế giặt, rửa, ép thành từng kiện, nó trở thành nguyên liệu cho ngành sản xuất hạt nhựa bình thường, chứ không còn là rác thải nữa.
Theo văn bản đề xuất của đơn vị xử lý bãi rác nói trên và báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương trước đó, đơn vị này muốn thuê lại 10.000 m2 đất trong khu quy hoạch xử lý chất thải tại xã Việt Hồng (huyện Thanh Hà - Hải Dương) hoặc bãi rác Đồng Vọng (TP Chí Linh, Hải Dương) để di chuyển 5.000 tấn phế liệu đến tập kết và chờ phương án xử lý.
Đơn vị này đồng thời đề xuất phương án thứ 3 là cho phép thuê đất trong các khu công nghiệp của tỉnh Hải Dương để xây dựng nhà máy sản xuất tái chế hạt nhựa.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh không chấp thuận 3 phương án nói trên, mà yêu cầu chủ đầu tư phải di dời số phế liệu này đi nơi khác trong vòng 60 ngày, chậm nhất đến ngày 15/5 phải dọn xong.
"Đây không còn là rác thải nữa, mà là nguyên liệu cho ngành sản xuất hạt nhựa. Do đó, chủ đầu tư cần phải tìm đầu mối bán cho các đơn vị tái chế, chứ tỉnh không chấp thuận các phương án mà họ đưa ra", một lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương nói.
Cũng liên quan đến sự việc trên, sáng nay (21/3), trao đổi với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đơn vị đã giao Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương để chỉ đạo xử lý, giải quyết số phế liệu nói trên.