Mỹ xem nhẹ tên lửa siêu vượt âm Nga sử dụng ở Ukraine, đem hệ thống phòng không Patriot đến sườn Đông

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:50, 21/03/2022

Ngày 20/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal mà Nga tuyên bố đã sử dụng tại Ukraine không chứng tỏ được đó là “một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi”.
Mỹ xem nhẹ tên lửa siêu vượt âm Nga sử dụng ở Ukraine, đem hệ thống phòng không Patriot đến sườn Đông. (Nguồn: Reuters)
Hệ thống phòng không Patriot. (Nguồn: Reuters)

Quan chức Mỹ cảnh báo, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang có những sự thay đổi trong chiến thuật. Việc Nga sử dụng vũ khí siêu vượt âm sẽ đánh dấu một bước leo thang đáng kể trong chiến dịch nhằm buộc Ukraine phải từ bỏ hy vọng xích lại gần phương Tây.

Ông Lloyd Austin nhấn mạnh: “Tôi không nhận thấy động thái của Nga là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Tôi cho rằng, lý do ông Putin phải dùng đến những loại vũ khí này là bởi vì ông ấy đang tìm cách lấy lại một số động lực".

Trước đó, trong các ngày 19 và 20/3, Moscow tuyên bố đã sử dụng các tên lửa siêu vượt âm Kinzhal để nhằm vào những mục tiêu tại Ukraine.

Kinzhal là tổ hợp tên lửa hàng không mới nhất của Nga, bao gồm máy bay tác chiến MiG-31K và tên lửa siêu vượt âm Kh-47M Kinzhal. Kinzhal trong tiếng Nga có nghĩa là “lưỡi dao”. Kh-47M Kinzhal có tầm bay từ 1.500-2.000 km.

Sau khi được phóng từ bệ máy bay, tên lửa Kinzhal tăng tốc lên 4.900km/giờ (Mach 4 - nhanh gấp 4 lần so với tốc độ âm thanh) và có thể đạt tốc độ cực đại là 12.350km/giờ (Mach 10).

Tên lửa siêu vượt âm đời mới của Nga có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu hạn hạt nhân, với tải trọng lên tới 480 kg.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa sẽ giúp Ukraine có được các hệ thống phòng không có tầm bắn xa hơn tên lửa Stinger vác vai trên mặt đất mà không gây xung đột trực tiếp với Nga. Hệ thống S-300 sẽ là vũ khí lý tưởng vì quân đội Ukraine đã quen sử dụng hệ thống này.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết, hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất đang trên đường tới nước này.

Trong tuần này, Slovakia, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bày tỏ sẵn sàng cung cấp hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất cho Ukraine nhưng chỉ với điều kiện là nước này nhận được sự thay thế để tránh lỗ hổng an ninh ở sườn Đông của NATO.

Trên mạng xã hội Facebook, ông Nad nêu rõ: “Tôi có thể xác nhận những đơn vị đầu tiên để triển khai hệ thống phòng không Patriot đang đến”, đồng thời cho biết việc chuyển giao sẽ tiếp tục trong vài ngày tới.

Bộ trưởng Nad cho biết, trong hoàn cảnh hiện nay, hệ thống của Nga không có tương lai trong các lực lượng vũ trang Slovakia. Thay vào đó, Bratislava sẽ tìm cách thay thế hệ thống này bằng một hệ thống khác tương thích hơn với các đồng minh của Slovakia và cung cấp khả năng phòng thủ tốt hơn.

Ông Nad cho biết thêm, hệ thống Patriot sẽ tạm thời đặt tại Sliac, lưu ý rằng sẽ có sự cân nhắc thêm về nơi triển khai hệ thống “bao phủ lãnh thổ lớn nhất có thể của Slovakia”.

Bảo Hà