Hậu Covid-19: Ăn gì vừa ngon lại nhanh chóng hồi phục sức khỏe?
Ẩm thực - Ngày đăng : 15:01, 20/03/2022
Chế độ dinh dưỡng dành cho F0 và hậu Covid-19
Chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe mỗi người. Với những người nhiễm Covid-19, chế độ dinh dưỡng sẽ góp phần không nhỏ vào hiệu quả của quá trình phục hồi.
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị và phục hồi sau khi mắc Covid-19. Ảnh minh họa.
Đa dạng thực phẩm: Khi mắc Covid-19, bạn cần đảm bảo ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong từng nhóm thực phẩm (nhóm cung cấp chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), phối hợp thực phẩm nguồn gốc thực vật và động vật hợp lý để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh và phục hồi sau mắc bệnh.
Ăn đủ bữa: Đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, có thể chia nhỏ bữa và thêm bữa phụ, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp nấu chín mềm. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày.
Bổ sung vitamin: Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, việc sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ tăng cường miễn dịch, các loại viên uống vitamin tổng hợp cũng là một trong những liệu pháp giúp F0 phục hồi nhanh. Theo đó, bổ sung thêm các vitamin C, D để tăng cường sức khoẻ trong điều kiện cách ly, hạn chế tiếp xúc xã hội dài ngày.
Uống đủ nước: Lượng nước lọc cần thiết hằng ngày (khoảng 1200ml -1800ml/ngày).
Ngoài việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, người bệnh cũng cần bổ sung nước mỗi ngày như các loại nước ép, nước hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Nên tránh nước uống có gas, bia rượu, các loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, đồ hộp, thực phẩm muối chua...
Những người đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gout... cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Chất lỏng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung khoáng chất, vitamin trong cơ thể và thải độc tố ra ngoài. Người bệnh phải uống nhiều chất lỏng hơn như nước dừa, nước cam tươi và nước lọc...
Những thực phẩm "bảng vàng" giàu dinh dưỡng
Sau mắc Covid-19 cần đảm bảo đủ dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Sau đây là các thực phẩm thông dụng giàu dinh dưỡng, có tác dụng an thần, giảm mệt mỏi, căng thẳng, giúp ngủ ngon, tốt cho người bị mất ngủ hậu Covid-19.
Thịt lợn: Thịt lợn là nguồn protein chất lượng cao, có đầy đủ các axit amin thiết yếu. Thịt lợn cũng rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin nhóm B và kẽm. Do đó, đây là thực phẩm rất tốt cho người mắc Covid-19 đang trong giai đoạn hồi phục.
Thịt bò: Thịt bò có giá trị dinh dưỡng rất cao, giàu protid, lipid, muối khoáng, vitamin... Trong thịt bò có các chất abumin chứa nhiều axit amin, mỡ, canxi, phốt pho, sắt và các vitamin A, B, D... có tác dụng bổ dưỡng khí huyết, làm cường tráng cơ bắp. Thịt bò cung cấp nguồn năng lượng dồi dào và đảm bảo lưu lượng máu cho não bộ, duy trì hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương.
Thịt gà: Thịt gà chứa nhiều vitamin A, E, C, B1, B2, PP và các muối khoáng canxi, phốt pho, sắt… nên rất giàu dinh dưỡng. Thịt gà cũng giàu kẽm, một trong những chất dinh dưỡng rất quan trọng tham gia vào hệ thống miễn dịch giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Hạt sen: Hạt sen cung cấp năng lượng cùng các dưỡng chất quan trọng thiết yếu như tinh bột, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất như vitamin B2, natri, kali, canxi, magie, phốt pho…
Trong y học cổ truyền, hạt sen là vị thuốc có tác dụng bổ tỳ, chỉ tả, ích thận, cố tinh, dưỡng tâm, an thần… Thường được dùng làm thuốc bổ, chữa thần kinh suy nhược, mất ngủ…
Củ sen: Củ sen được y học cổ truyền sử dụng làm thuốc trị mất ngủ, giải độc gan, trị nóng trong, ổn định huyết áp. Củ sen cũng cung cấp nhiều chất sắt, kẽm, magie, mangan. Ăn củ sen có tác dụng an thần, giảm cholesterol xấu trong máu, bảo vệ sức khỏe tim mạch, giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi và ngủ ngon giấc hơn.
Gạo lứt: Gạo lứt rất giàu vitamin và khoáng chất như mangan, collagen, magiê, selen, đồng, phốt pho, một số vitamin B và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Loại ngũ cốc nguyên hạt này cũng chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Long nhãn: Long nhãn cũng là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền dùng chữa mất ngủ. Long nhãn có tác dụng bổ tâm tỳ, thư giãn thần kinh, dưỡng huyết, ngăn ngừa thiếu máu não, chống suy nhược cơ thể.
Hoa thiên lý: Hoa thiên lý là loại rau ăn ngon, mát bổ. Theo y học cổ truyền, hoa thiên lý có tính bình, vị ngọt, giúp dưỡng tâm, an thần, giải nhiệt, tiêu độc, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Rau lạc tiên: Lạc tiên là loại cây mọc hoang ở nhiều nơi. Người dân thường dùng lạc tiên làm rau ăn và làm thuốc chữa mất ngủ rất tốt. Theo nghiên cứu, các hoạt chất trong cây lạc tiên có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, giúp trấn tĩnh, chống hồi hộp, lo âu, mất ngủ.
Theo Người Đưa Tin