Vũ khí ‘khủng’ nhất thế giới có gì đáng sợ?
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:35, 20/03/2022
Vào sáng ngày 21/3/1918, cư dân của thủ đô Paris (Pháp) đã bị bắn từ Paris Gun được lắp đặt trên đường sắt ẩn trong rừng cách thành phố 112 km. Đạn của Paris Gun nặng 120 kg bay 40 km vào tầng bình lưu tới mục tiêu trong 170 giây.
Theo các tài liệu, việc chuẩn bị bắn Paris Gun là một cơn ác mộng về hậu cần của quân đội Đức khi đó. Tác động lực bắn mạnh đến mức mỗi phát bắn nòng pháo bị rộng ra một chút. Do đó, Paris Gun chỉ có thể bắn được 20 quả pháo thì nòng đã mòn.
Tập đoàn Krupp của Đức đã chế tạo tổng cộng 7 nòng cho khẩu siêu pháo Paris Gun. Nòng pháo 21 cm dài 28 m và được trang bị thêm phần mở rộng thân trơn dài 6 mét gắn ở đầu ra. Tổ hợp siêu pháo nặng 256 tấn và được đặt trên bệ đường sắt được thiết kế đặc biệt cho mục đích quân sự. Toàn bộ cụm nòng pháo được gia cố để ngăn nó chúi xuống do quá dài và nặng, cũng như chống giật khi bắn.
Paris Gun có đường kính lớn hơn bất kỳ loại pháo kéo hay pháo hạm nào được sử dụng trước đó. |
Khối lượng của đạn khoảng 120 kg, tầm bắn 130 km, sơ tốc đầu đạn khoảng 1600 mét/giây, độ cao quỹ đạo tối đa lên tới 45 km. Chuyển động của đạn qua tầng bình lưu ở tốc độ cao là một trong những yếu tố chính trong tầm bắn độc đáo của khẩu pháo, do sức cản của không khí giảm đáng kể.
Paris Gun được vận hành bởi 80 thủy thủ hải quân. Quân đội Đức còn bố trí một số khẩu đội pháo tiêu chuẩn xung quanh nhằm tạo tiếng ồn mỗi khi khai hỏa, tránh để quân Anh và Pháp phát hiện trận địa.
“Mỗi phát bắn mất tới 3 phút để tới mục tiêu. Xạ thủ khi bắn phải tính đến chuyển động xoay của Trái Đất nếu muốn bắn trúng mục tiêu”, sử gia người Mỹ Adam Hochschild cho biết.
Đến tháng 8 cùng năm, chỉ có 367 quả pháo được bắn ra và tầm ngắm thường không được điều hướng. Hầu như không một nửa số đạn pháo bắn trúng mục tiêu. Tuy nhiên, Paris Gun đã cướp đi sinh mạng của 256 người, 1/3 trong số đó là kết quả của một quả đạn pháo bắn trúng vào Nhà thờ trong buổi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh.
Paris Gun cho phép Đức thực hiện tấn công vào sâu bên trong Paris mà không cần phải đưa quân vào áp sát thành phố. |
Hiệu quả của việc sử dụng Paris Gun là khá khủng khiếp, khi những cuộc pháo kích từ một khẩu pháo tầm xa như vậy đã làm giảm đáng kể tinh thần của người Pháp và sự hiện diện của một loại vũ khí siêu khủng đã truyền cảm hứng cho quân Đức giúp Paris Gun trở thành một trong những vũ khí nổi bật trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Paris Gun lại là một thất bại về mặt quân sự của Đức khi mỗi quả đạn chỉ chứa 7 kg thuốc nổ, không đủ gây ra thiệt hại lớn. Vỏ đạn được thiết kế rất dày để chống chịu lực bắn rất mạnh khi khai hỏa, nhưng lại khiến nó chỉ tạo thành những mảnh văng lớn khi phát nổ, hạn chế đáng kể sức sát thương.
Ngoài ra, sơ tốc đạn lớn khiến nòng pháo bị bào mòn rất nhanh. Mỗi viên đạn phải được đánh số và bắn theo thứ tự để phù hợp với đường kính nòng, liều phóng cũng phải được tính toán cẩn thận vì chỉ một sai lệch nhỏ cũng gây ảnh hưởng lớn tới tầm bắn.
Sau đó, quân đội Đức rút Paris Gun về nước vào cuối tháng 8/1918, khi phe Hiệp ước áp sát vị trí của quân Đức. Siêu pháo bị Đức phá hủy ở cuối cuộc chiến để không bị rơi vào tay đối phương.
Thanh Bình (lược dịch)