Cổ phiếu nào là tâm điểm khối ngoại bán ròng hơn 1.530 tỷ tuần qua?
Kinh doanh - Ngày đăng : 12:53, 19/03/2022
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index hồi phục, tiến sát 1.470 điểm với thanh khoản thấp. Tỉ trọng phân bổ dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm bất động sản, ngân hàng, xây dựng và vật liệu, giảm ở nhóm thép, chứng khoán, dầu khí. Cá nhân trong nước là bên mua ròng, trong khi nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài là bên bán ròng.
Tâm điểm tuần qua là phiên đáo hạn phái sinh tháng 3 và phiên các ETFs hoàn thành cơ cấu danh mục quý 1. Nhóm cổ phiếu "họ" DNP gây chú ý khi đồng loạt tăng mạnh, có mã tăng trần cả 5 phiên trong tuần.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.532 tỷ đồng trên HOSE, tập trung vào MSN, VIC, NVL, HPG, VHM. Top cổ phiếu mua ròng khớp lệnh tuần này của khối ngoại gồm STB, DPM, VJC, VRE, DCM.
Như HPG, VIC, VHM đều là những cổ phiếu mà FTSE ETF giảm tỷ trọng trong danh mục quỹ. VNM ETF cũng giảm tỷ trọng nắm giữ VHM.
Hiện, VIC đã về vùng đáy 1 năm, đối lập khối ngoại bán ròng, cá nhân trong nước vẫn tiếp tục mua ròng. Cổ phiếu VIC đang nằm trong xu hướng giảm, xuyên suốt từ khi Tập đoàn xác định tập trung nguồn lực, ưu tiên cốt lõi cho mảng ô tô.
Tuy nhiên, Tập đoàn đã thông báo sẽ dừng sản xuất xe xăng để trở thành hãng xe điện 100% vào cuối năm 2022. Quyết định ngừng sản xuất xe hơi đã khiến Vingroup ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.
Năm 2021, hoạt động sản xuất và các dịch vụ liên quan (Vinfast, công nghệ) đạt doanh thu thuần 17.263 tỷ đồng, chiếm 14% tổng doanh thu, ghi nhận lỗ trước thuế 23.948 tỷ.
Việc khối ngoại bán ròng VIC 8 tuần liên tiếp, cùng thời điểm VIC công bố báo cáo tài chính quý 4/2021. Tập đoàn này lỗ ròng 7.522 tỷ đồng trong cả năm. Đây cũng lần đầu tiên Vingroup ghi nhận năm thua lỗ kể từ khi công bố báo cáo tài chính kinh doanh năm 2006.
Vingroup lỗ ròng tới gần 9.250 tỷ đồng trong riêng quý 4. Nguyên nhân chính dẫn đến khoản thua lỗ là chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi doanh thu hoạt động tài chính giảm tới 3 lần. Đây là khoản thua lỗ đầu tiên Vingroup phải ghi nhận trong một quý kinh doanh, và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới khoản lỗ của năm 2021.
Lãi cơ bản trên cổ phiếu VIC giảm mạnh, từ 1.691 đồng (năm 2020) xuống 815 đồng (năm 2021).
Dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu đầu tư công, ngân hàng
Phía mua ròng đáng chú ý là giao dịch của STB, lực cầu đến từ cả quỹ ETF tái cơ cấu danh mục và nhà đầu tư nước ngoài khác. Thị trường dự báo, STB là ngân hàng còn câu chuyện nợ xấu AMC sắp hết, và câu chuyện STB bán nợ xấu AMC này năm 2022.
Nhóm bất động sản, ngân hàng, xây dựng và vật liệu có tỉ trọng giá trị giao dịch tuần này tăng so với tuần trước, chỉ số giá ngành của 3 nhóm đều tăng trong tuần.
Nhóm bất động sản có sự cải thiện dòng tiền mạnh trong nhiều tuần và tỉ trọng giá trị giao dịch đã tăng lên 22,24%, là mức cao nhất trong 3 tuần liên tiếp. Nhóm này được kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công.
Trong tuần, dòng tiền tập trung vào DXG, VIC, DIG, NVL, CEO, FLC, VHM, KBC, PDR, SCR. Tuy nhiên, cả 3 cổ phiếu lớn VHM, VIC, NVL đều giảm điểm trong tuần.
Nhóm cổ phiếu xây dựng có tuần giao dịch tăng, giá tăng. Đây là nhóm cổ phiếu nhà đầu tư kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công đang được đẩy mạnh triển khai. Công tác chuẩn bị hồ sơ các dự án đầu tư công sẽ hoàn thành trong tháng 2 và tháng 3 này. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đến tháng 4 và tháng 5 sắp tới có thể triển khai được các gói đầu tư.
Tuần qua, cổ phiếu tăng mạnh nhất ở nhóm xây dựng là các mã trên sàn UPCoM và HNX, gồm USC, VC9, KDM, HUT, HEJ, VE4, HUB, SIC, TTL. Tất cả đều tăng từ 18%, trong đó USC tăng mạnh 86% trong tuần.
Trong nhóm này, cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất tuần là ROS, HUT, VCG, LCG, FCN, HBC, CII, CTR. Tất cả đều tăng điểm, trong đó, HUT tăng cao nhất 27%.
Trong tuần, dòng tiền còn tập trung vào nhóm cổ phiếu DIG, FLC, HSG, DXG, VND, DPM, NKG, GEX. Ngoài các cổ phiếu đầu cơ thì nhóm này cũng gồm các cổ phiếu có câu chuyện như VND tăng vốn, HSG, DPM, NKG được hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng.