Điểm nóng mới trên thị trường vũ khí toàn cầu

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:57, 19/03/2022

Trong bối cảnh bản đồ địa chính trị châu Âu liên tục biến động khó lường, các quốc gia ở “lục địa già” tiếp tục mạnh tay chi tiêu quân sự nhằm mục đích củng cố, nâng cao năng lực quốc phòng của mình.

Báo cáo thường niên về hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu vừa được công bố bởi Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết tổng thương mại vũ khí toàn cầu giai đoạn 2017-2021 giảm nhẹ 4,6% so với 5 năm trước đó.

Tuy nhiên, báo cáo lại lưu ý tới xu hướng đảo ngược ở châu Âu với việc nhập khẩu vũ khí của khu vực này tăng 19%, qua đó chiếm 13% thị phần toàn cầu (tăng 3%) khi so sánh trong hai giai đoạn trên. “Sự gia tăng chi tiêu quân sự tại “lục địa già” không chỉ một chút mà là rất nhiều. Phần lớn nguồn vũ khí đến từ ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) của châu Âu và Mỹ”, báo cáo nêu rõ.

Nhiều quốc gia châu Âu đã và đang tăng đáng kể chi tiêu quân sự (ảnh minh họa). Ảnh: Army Technology

Theo các chuyên gia, quan hệ giữa hầu hết các quốc gia châu Âu và Nga xấu đi là động lực quan trọng thúc đẩy châu Âu nhập khẩu vũ khí, đặc biệt là những nước có nền CNQP chưa thể đáp ứng tất cả yêu cầu của họ. Nhiều khả năng thị trường mua bán vũ khí ở châu Âu còn sôi động hơn nữa do những lo ngại an ninh sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

“Châu Âu trở thành điểm nóng mới. Các nước trong khu vực có nhu cầu trang bị vũ khí mới và đa số được nhập khẩu”, hãng tin Pháp AFP trích dẫn nhận định từ chuyên gia Pieter D.Wezeman, đồng tác giả của báo cáo.

Cũng trong báo cáo này, SIPRI nêu rõ Anh, Na Uy và Hà Lan là những nước mua vũ khí nhiều nhất châu Âu. Ngoài ra, các quốc gia khác ở khu vực như Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Latvia... cũng tích cực tăng ngân sách quốc phòng và dự kiến tăng nhập khẩu vũ khí đáng kể trong thập kỷ tới. Các nước châu Âu đã đối mặt với sức ép từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đưa ngân sách quốc phòng chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Hiện chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang hướng tới xây dựng lại quan hệ với NATO, nhưng được cho là vẫn kiên quyết với các đồng minh châu Âu về vấn đề tăng thêm chi tiêu quân sự. Theo một báo cáo của NATO, tổng chi tiêu dành cho quân sự của các nước thành viên liên minh quân sự này đã lên tới mức kỷ lục 1.028 tỷ USD trong năm 2020.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là nhà thầu quân sự chính của châu Âu. Tờ DW (Đức) cho rằng, các thương vụ mua bán vũ khí đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương. Mua sắm vũ khí Mỹ có thể giúp các nước hợp tác chặt chẽ hơn với Washington, như thông qua những chương trình đào tạo và bảo trì. Đồng thời, việc sử dụng cùng hệ thống khí tài cũng cải thiện khả năng phối hợp hoạt động quân sự của các nước với quân đội xứ cờ hoa.

Các thương vụ lớn mới nhất có thể kể đến là việc Thụy Sĩ và Phần Lan thông báo mua tổng cộng 100 máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ thứ năm F-35 Lightning II của nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Ngoài ra, Bỉ, Ba Lan, Đan Mạch, Italy, Na Uy, Anh và Hà Lan đang vận hành hoặc chờ bàn giao các biến thể của máy bay F-35. Trong khi đó, Anh và Đức cũng móc hầu bao cho loạt máy bay săn ngầm P-8A Poseidon sản xuất bởi hãng Boeing (Mỹ).

Ở nhóm các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu khi chiếm 39% xuất khẩu vũ khí toàn cầu và tăng 14% trong giai đoạn 2017-2021. Nga tiếp tục đứng thứ hai, nhưng thị phần đã giảm xuống còn 19%. Với việc bị Mỹ và phương Tây liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, doanh thu của ngành CNQP Nga có thể sẽ chịu tác động trong tương lai.

VĂN HIẾU